Giới thiệu bệnh lý khe hở môi vòm

Khe hở môi vòm (sứt môi – hở hàm ếch) là dị tật bẩm sinh chiếm tỷ lệ cao nhất vùng hàm mặt, khoảng 1-2 ‰ trẻ sơ sinh. Dị tật này làm biến đổi cấu trúc giải phẫu, hình thể thẩm mỹ của mặt, gây rối loạn chức năng ăn uống, hô hấp, phát âm, ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ và gia đình trong việc hoà nhập cộng đồng. Phát hiện trẻ bị khe hở môi vòm thường khiến cha mẹ thấy rất shock, buồn và lo lắng cho tương lai sau này của con tuy nhiên đây là bệnh lý có thể chữa được. Nếu tư vấn, điều trị đúng phương pháp, đúng thời điểm, hầu hết các trẻ sẽ được phục hồi chức năng và đảm bảo thẩm mỹ khuôn mặt.

KHE HỞ MÔI VÒM LÀ GÌ?

Khe hở môi vòm đươc hiểu là tồn tại khe hở tại môi trên, vòm miệng hoặc cả môi vòm. Quá trình hình thành khe hở môi vòm xảy ra trong thời kỳ bào thai khi các cấu trúc giải phẫu khuôn mặt từ hai bên không hợp nhất với nhau hoàn toàn.

Khe hở môi vòm là một dị tật bẩm sinh thường gặp nhất trên khuôn mặt. Đây là bệnh lý đơn thuần hoặc nằm trong hội chứng hoặc rối loạn gen di truyền nào đó.

Khe hở môi vòm là một dị tật bẩm sinh thường gặp nhất trên khuôn mặt.

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH KHE HỞ MÔI VÒM

Hình thái khuôn mặt được hình thành trong khoảng tuần thứ 4-10 của thai kì. Hình thái này là kết quả hợp nhất của ụ trán mũi ở đường giữa với ba cặp ụ ở hai bên là ụ hàm trên, mũi bên và hàm dưới.

Khi quá trình hợp nhất của ụ trán mũi với ụ hàm trên 2 bên không diễn ra hoặc chỉ diễn ra một phần thì khe hở môi vòm sẽ hình thành tùy mức độ, ví dụ như khe hở môi một bên, hai bên, khe hở vòm toàn bộ hay không toàn bộ,…

Hình ảnh minh họa của quá trình hình thành mặt trong thời kì bào thai.

NGUYÊN  NHÂN GÂY RA KHE HỞ MÔI VÒM

Nguyên nhân khiến cho quá trình hợp nhất của các ụ mặt không diễn ra hoặc chỉ diễn ra một phần, dẫn tới sự hình thành khe hở môi vòm có thể là do yếu tố gen hay yếu tố môi trường tác động.

Trong một số trường hợp rất khó để xác định nguyên nhân chính xác.

Trẻ mắc khe hở môi vòm có thể được chẩn đoán trong quá trình mang thai vào thời điểm quý 2 của thai kỳ, quanh tuần 16-18.

CÁC YẾU TỐ LÀM TĂNG NGUY CƠ TRẺ BỊ KHE HỞ MÔI VÒM

Các nhà khoa học chỉ ra rằng có một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng hình thành khe hở môi vòm bao gồm:

  • Tiểu sử gia đình: nguy cơ trẻ bị khe hở môi vòm tăng lên khi tiển sử gia dình có người đã bị bệnh lý này
  • Tiếp xúc với một số chất trong thời kì mang thai như hút thuốc, uống rượu, hoặc một số thuốc.
  • Mẹ bị tiểu đường: đã có bằng chứng cho thấy mẹ được chẩn đoán tiểu đường trước khi mang bầu sẽ có nguy cơ cao sinh ra trẻ bị khe hở.

ẢNH HƯỞNG CỦA KHE HỞ MÔI VÒM ĐẾN SỨC KHỎE VÀ CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG

Tùy theo mức độ, chẩn đoán khe hở và phương pháp điều trị mà trẻ có thể mắc các di chứng như:

  • Khó khăn trong bú sữa: đây là vấn đề được quan tâm rất lớn từ cha mẹ, vì trẻ khó khăn trong bú sữa nên hấp thu chất dinh dưỡng kém, chậm tăng cân, kém phát triển.
  • Rối loạn ngôn ngữ: chức năng vòm và môi tham gia vào quá trình phát âm nên khi bị khe hở sẽ có nguy cơ gây rối loạn ngôn ngữ
  • Viêm tai giữa và giảm chức năng nghe
  • Rối loạn tâm sinh lý: một số trẻ chịu ảnh hưởng của tự ti, xấu hổ, khó khăn trong tạo mối quan hệ,…

Xem thêm:

Tâm sinh lý của trẻ bị khe hở môi vòm qua các giai đoạn phát triển 

BIỂU HIỆN CỦA KHE HỞ MÔI VÒM

Thông thường, dấu hiệu của bệnh lý khe hở môi vòm dễ dàng được chẩn đoán sau khi trẻ được sinh ra:

  • Tồn tại khe hở tại môi trên, lợi và vòm miệng, xuất hiện một bên hoặc cả hai bên.
  • Đôi khi biểu hiện kín đáo là một rãnh hoặc khe mờ tại môi trên
  • Khe hở tại vòm bên trong miệng mà không có biểu hiện trên khuôn mặt

Có khi  dấu hiệu chỉ là một rãnh tại vòm hoặc lưỡi gà chẽ đôi, chẩn đoán trong trường hợp này dễ bị bỏ sót. Đây là khe hở vòm màng, chẩn đoán thường muộn khi có biểu hiệu rối loạn chức năng như:

  • Khó bú
  • Sữa, thức ăn lên miệng
  • Viêm tai giữa kéo dài
  • Rối loạn ngôn ngữ

Tư vấn cụ thể với các chuyên gia để được hướng dẫn cách chăm sóc cho trẻ tốt cả trước và sau khi sinh ra. 

KHI NÀO THÌ ĐI KHÁM BÁC SĨ KHI PHÁT HIỆN TRẺ BỊ KHE HỞ MÔI VÒM?

Phần lớn trẻ bị khe hở môi vòm được chẩn đoán trước sinh hoặc một số trẻ được chẩn đoán sau khi sinh ra. Gia đình nên được tư vấn sớm nhất có thể bởi các chuyên gia sản khoa và phẫu thuật tạo hình đề bàn kết hoạch điều trị.

CÁCH ĐIỀU TRỊ KHE HỞ MÔI VÒM

Từ trước đến nay trẻ khi mắc phải dị tật này thường được điều trị chủ yếu bằng phẫu thuật. Tuy nhiên phẫu thuật thôi là chưa đủ mà cần sự phối hợp của nhiều chuyên khoa bao gồm: nhi khoa, dinh dưỡng, tai mũi họng, răng hàm mặt, chuyên gia ngôn ngữ , chuyên gia tâm lý và quan trọng nhất là sự kiên nhẫn của cha mẹ và người thân.

Nhóm điều trị này sẽ cùng khám cho trẻ, sau đó cùng thảo luận để đưa ra cái nhìn tổng thể về tình trạng bệnh và phối hợp lập kế hoạch điều trị toàn diên khe hở môi vòm cho từng giai đoạn phát triển của trẻ.

Trẻ bị khe hở môi vòm nếu được điều trị hợp lý sẽ phục hồi được chức năng và thâm mỹ của khuôn mặt

CÁCH PHÒNG TRÁNH KHE HỞ MÔI VÒM

Một số biện pháp mà cha mẹ có thể áp dụng để giảm nguy cơ con bị khe hở môi vòm như

  • Không dùng thuốc lá và rượu bia khi mang thai
  • Cung cấp đủ vitamin và dinh dưỡng
  • Tư vấn bác sĩ trước khi dùng thuốc
  • Tư vân trước sinh với các chuyên gia di truyền

Trẻ bị khe hở môi vòm là điều không ai mong muốn. Cha mẹ cũng đừng đổ lỗi cho bản thân mà nên tập trung sức lực để chăm sóc và hỗ trợ cho con. Việc chăm sóc và điều trị cho trẻ khe hở môi vòm là một quá trình dài với nhiều thách thức nhưng với sự đồng hành của các bác sĩ, đặc biệt là tình yêu thương của bố mẹ sẽ giúp trẻ sớm khôi phục chức năng và thẩm mỹ khuôn mặt, để phát triển như bao bạn bè cùng trang lứa.

Xem thêm: 

Phẫu thuật điều trị khe hở môi

Phẫu thuật điều trị khe hở vòm 

Liên hệ để được tư vấn: 

Bác sĩ Phượng