Tâm sinh lý của trẻ bị khe hở môi vòm qua các giai đoạn phát triển (Phần I)

Tin tức 04/04/2020
Tâm sinh lý của trẻ bị khe hở môi vòm qua các giai đoạn phát triển sẽ có nhiều thay đổi mà cha mẹ cần biết để có thể hỗ trợ tốt nhất cho trẻ.

Một trong những vấn đề mà cha mẹ cần lưu tâm nhất khi chăm sóc trẻ mắc phải dị tật khe hở môi vòm là tâm lý. Bởi sự khác biệt về ngoại hình có thể khiến trẻ tự ti, khó hòa nhập với bạn bè, giới hạn khả năng phát triển bản thân, ảnh hưởng đến tương lai sau này. Trong mỗi giai đoạn phát triển, trẻ sẽ có những thay đổi về mặt tâm sinh lý. Vì thế cha mẹ cần biết được những biến đổi có thể xảy ra, các dấu hiệu nhận biết và cách hỗ trợ để sát cánh bên con vượt qua những giai đoạn khó khăn này.

(Phần I) Giai đoạn sơ sinh và trước khi đến trường của trẻ bị khe hở môi vòm

Đặc điểm ở giai đoạn trẻ sơ sinh và trước khi đến trường

Trong giai đoạn này sự gắn kết giữa bố mẹ và trẻ là điều quan trọng, thiết yếu cho sự phát triển của trẻ. Đặc biệt trong suốt năm đầu tiên, xây dựng sự gắn kết bền vững này là phần quan trọng nhất mà cha mẹ có thể làm để trẻ hình thành tâm lý tốt trong giai đoạn sau.

Nhiều người lo lắng rằng nếu trẻ không thể bú mẹ sẽ khiến sợi dây liên kết này bị lỏng lẻo. Tuy nhiên chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng mối thân mật giữa cha mẹ và trẻ, ngay cả khi trẻ không bú mẹ bằng cách duy trì những cử chỉ ôm ấp, ánh mắt trìu mến, chú ý những như cầu căn bản của trẻ như bú…

Xây dựng sự gắn kết giữa cha mẹ và trẻ trong những năm đầu đời sẽ giúp trẻ bị khe hở môi vòm hình thành tâm lý tốt cho các giai đoạn sau. 

Trong năm đầu tiên, áp lực với cha mẹ là rất lớn bởi vì những khó khăn trong việc cho bú, nhiều chỉ định chuyên môn, nhiều lần phẫu thuật,…. Khoa học đã chứng minh, nếu cha mẹ vượt qua những căng thẳng này một cách nhẹ nhàng thì khả năng con của họ gặp các vấn về về tâm lý, giao tiếp sẽ ngày càng giảm.

Một số gia đình sẽ quan tâm tới việc gửi con tới các nhà trẻ sớm. Môi trường nhà trẻ rất tốt cho sự hình thành và phát triển tâm lý, các giao tiếp của trẻ. Mặc dù vậy nhiều phụ huynh lại lo lắng vì sự khác biệt về khuôn mặt của con họ với các bạn cùng tuổi. Các bạn sẽ tò mò, đặt các câu hỏi về sự khác biệt đó. Nếu cha mẹ không chuẩn bị trước tâm lý và cách trả lời với những câu hỏi này thì trẻ sẽ cảm thấy khó xử và căng thẳng.

Cha mẹ có thể làm gì để giúp con?

  • Xây dựng sợi dây gắn kết giữa cha mẹ với trẻ bằng việc biểu lộ sự trìu mến, nuôi dưỡng và chăm sóc những nhu cầu cơ bản của trẻ.
  • Đối mặt với những căng thẳng của chính mình để tìm cách vượt qua nó, có thể tìm kiếm sự trợ giúp của các chuyên gia y tế nếu cần.
  • Dành thời gian chơi cùng con, thể hiện cho bé biết mình thích thú khi chơi với bé. Khả năng chơi cũng là bước phát triển của trẻ.
  • Bắt đầu giáo dục cho trẻ về bệnh lý khe hở môi vòm khi trẻ lớn hơn. Có  thể cho trẻ xem những bức ảnh trước và sau phẫu thuật để trẻ hiểu. Cùng trò chuyện, thảo luận về những suy nghĩ và thắc mắc của trẻ. Lưu ý không đề cập đến các vấn đề khiến trẻ xấu hổ.
  • Có thể tập kịch để giúp con có những phản ứng và trả lời phù hợp khi bạn bè hỏi về sự khác biệt trên khuôn mặt. Ví dụ như: khi bạn hỏi thì con có thể trả lời là “tớ sinh ra có một khe hở ở môi và bác sĩ đã sửa lại cho tớ rồi, cậu có muốn chơi với tớ trò chơi này không ?”

Hy vọng những thông tin trên có thể giúp cha mẹ vững tin vượt qua giai đoạn khó khăn đầu tiên này để đồng hành cùng con trong quá trình điều trị lâu dài về sau.

Xem tiếp:

Phần II. Giai đoạn tuổi học đường của trẻ bị khe hở môi vòm

Phần III. Giai đoạn vị thành niên của trẻ bị khe hở môi vòm

Liên hệ để được tư vấn:

Bác sĩ Phượng

Bác sĩ Phượng

"Mong rằng những thông tin về bệnh lý khe hở môi vòm được tổng hợp từ các nguồn tài liệu y khoa uy tín và những kinh nghiệm điều trị thực tế sẽ giúp các phụ huynh có thêm những hiểu biết hữu ích. Từ những kiến thức này, các bậc phụ huynh sẽ biết cách chăm sóc trẻ mắc dị tật khe hở môi vòm một cách hiệu quả, các phương pháp điều trị phù hợp, góp phần nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần cho trẻ"

Liên hệ với bác sĩ