Tại sao trẻ bị sứt môi hở hàm ếch (khe hở môi vòm)?

Tin tức 05/29/2020
Bài viết cung cấp một số thông tin cơ bản giải đáp cho thắc mắc tại sao trẻ bị sứt môi hở hàm ếch.

Tìm hiểu nguyên nhân tại sao trẻ bị sứt môi hở hàm ếch (khe hở môi vòm) sẽ giúp cha mẹ có các biện pháp chuẩn bị trước khi mang thai nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc phải dị tật này. Sứt môi hở hàm ếch là dị tật thường gặp nhất trong các loại dị tật bẩm sinh, gây biến dạng giải phẫu, khó khăn trong ăn uống, giao tiếp và hòa nhập với xã hội.

Tại sao trẻ bị sứt môi hở hàm ếch là thắc mắc của rất nhiều ông bố bà mẹ. 

I. VẬY TẠI SAO TRẺ BỊ SỨT MÔI HỞ HÀM ẾCH?

Nguyên nhân tại sao trẻ bị sứt môi hở hàm ếch cho đến nay vẫn chưa thể khẳng định chính xác. Tuy nhiên các bác sĩ và chuyên gia cho rằng dị tật này có liên quan đến yếu tố di truyền và môi trường. Cụ thể di truyền đóng vai trò trong sự xuất hiện của sứt môi hở hàm ếch nếu cha/mẹ hoặc cả hai truyền lại cho em bé một gen khiến các cấu trúc giải phẫu khuôn mặt từ hai bên không hợp nhất với nhau hoàn toàn, tạo ra khe hở ở vùng môi/vòm hoặc cả hai.

Ngoài ra tác động của các yếu tố từ bên ngoài trong quá trình mang thai cũng có thể làm tăng nguy cơ trẻ bị sứt môi hở hàm ếch. Những yếu tố này bao gồm:

  • Hút thuốc lá
  • Uống rượu bia
  • Sử dụng một số loại thuốc nhất định
  • Mẹ bị tiểu đường
  • Cơ thể người mẹ không được cung cấp đầy đủ vitamin trước sinh

Sứt môi hở hàm ếch có thể là một dị tật bẩm sinh độc lập hoặc là một phần của hội chứng di truyền lớn hơn chẳng hạn như hội chứng van der Woude hoặc hội chứng velocardiofacial – cả hai đều là những rối loạn di truyền.

Xem thêm:

Tất cả những điều cần biết về sứt môi hở hàm ếch

Chẩn đoán và tư vấn trước sinh về dị tật sứt môi hở hàm ếch 

II. CHẨN ĐOÁN TRẺ BỊ SỨT MÔI HỞ HÀM ẾCH NHƯ THẾ NÀO?

Hiện tại chúng ta hoàn toàn có thể phát hiện dị tật sứt môi hở hàm ếch từ rất sớm, ngay khi trẻ còn trong bụng mẹ thông qua siêu âm. Đây là một chẩn đoán hình ảnh sử dụng sóng âm thanh tần số cao để tạo ra hình ảnh em bé trong bụng mẹ.

Trong một số trường hợp khi phát hiện trẻ bị sứt môi hở hàm ếch, các bác sĩ có thể tiến hành chọc ối để kiểm tra các rối loạn di truyền khác nếu có, chẳng hạn như hội chứng  van der Woude.

Trẻ bị sứt môi hở hàm ếch có thể được phát hiện từ rất sớm, khi còn trong bụng mẹ nhờ siêu âm. 

III. CÁCH ĐIỀU TRỊ CHO TRẺ BỊ SỨT MÔI HỞ HÀM ẾCH 

Việc điều trị cho trẻ bị sứt môi hở hàm ếch tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của dị tật. Trẻ sẽ thường được phẫu thuật đầu tiên để đóng lại các khe hở ở vùng miệng, vòm. Tuy nhiên phẫu thuật thôi là chưa đủ, để điều trị toàn diện dị tật này đòi hỏi sự phối hợp của nhiều nhóm chuyên gia như bác sĩ nhi, bác sĩ răng hàm mặt, chuyên gia tâm lý, bác sĩ gây mê hồi sức, phẫu thuật viên, bác sĩ tai mũi họng…Nhóm này sẽ thảo luận với gia đình và bản thân trẻ để đưa ra phương hướng điều trị tốt nhất.

Đây là một quá trình dài, đòi hỏi sự nhẫn nại và kiên trì từ gia đình và chính trẻ.

III. KHI NÀO TRẺ CÓ THỂ PHẪU THUẬT ĐIỀU TRỊ SỨT MÔI HỞ HÀM ẾCH? 

Phẫu thuật điều trị sứt môi hở hàm ếch thường được thực hiện trong 3 năm đầu đời của trẻ. Tuy nhiên một số loại phẫu thuật bổ sung để chỉnh sửa các biến dạng, cải thiện thẩm mỹ cho khuôn mặt có thể được triển khai tiếp trong những năm sau đó.

Trong quá trình phẫu thuật, trẻ sẽ được gây mê toàn thân nên hoàn toàn không có cảm giác đau.

  • Phẫu thuật điều trị sứt môi: bác sĩ sẽ sẽ sử dụng mô và da từ hai bên của khe hở môi để làm cho môi rộng hơn và đóng lại khe hở. Một số các trung tâm phẫu thuật tại VN thường phẫu thuật điều trị sứt môi vào thời điểm trẻ được 3 tháng tuổi. Tại khoa Sọ mặt và tạo hình bệnh viện Nhi TW có thể đánh giá tình trạng trẻ để phẫu thuật sớm hơn.
  • Phẫu thuật điều trị hở hàm ếch: trong quá trình mổ, các cơ và mô ở 2 bên vòm miệng sẽ được nối với nhau để đóng lại khe hở. Với trường hợp trẻ bị hở hàm ếch, một số trung tâm phẫu thuật khi trẻ trên 18 tháng, đạt 10kg cân nặng. Tại khoa Sọ mặt và tạo hình Bệnh viện Nhi TW sẽ đánh giá tình trạng trẻ và có thể phẫu thuật vào thời điểm trẻ được 9 tháng.

Một trường hợp trẻ bị sứt môi được phẫu thuật thành công nhờ phát hiện sớm, điều trị kịp thời theo tư vấn của các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương. 

IV. CÁCH LÀM GIẢM NGUY CƠ TRẺ BỊ SỨT MÔI HỞ HÀM ẾCH

Để giảm thiểu nguy cơ trẻ sinh ra bị sứt môi hở hàm ếch, cha mẹ cần lưu ý:

  • Tư vấn di truyền trong trường hợp gia đình bạn có tiền sử bị sứt môi hở hàm ếch. Chuyên gia sẽ giúp bạn xác định tỷ lệ trẻ sinh ra mắc phải dị tật này là bao nhiêu.
  • Cung cấp đầy đủ các loại vitamin cần thiết cho cơ thể trước và trong khi mang thai.
  • Không hút thuốc lá, không uống rượu bia trong giai đoạn mang thai.
  • Giữ cân nặng ở mức hợp lý.

Xem thêm:

Cách cho trẻ bị sứt môi hở hàm ếch bú

Liên hệ để được tư vấn: 

Bác sĩ Phượng

Bác sĩ Phượng

"Mong rằng những thông tin về bệnh lý khe hở môi vòm được tổng hợp từ các nguồn tài liệu y khoa uy tín và những kinh nghiệm điều trị thực tế sẽ giúp các phụ huynh có thêm những hiểu biết hữu ích. Từ những kiến thức này, các bậc phụ huynh sẽ biết cách chăm sóc trẻ mắc dị tật khe hở môi vòm một cách hiệu quả, các phương pháp điều trị phù hợp, góp phần nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần cho trẻ"

Liên hệ với bác sĩ