Phẫu thuật điều trị khe hở vòm

Phẫu thuật điều trị khe hở vòm sẽ dựa trên mức độ tổn thương của trẻ nhằm phục hồi nguyên vẹn vòm và đảm bảo chức năng của vòm hầu.

Khe hở vòm là những tổn khuyết bên trong của khuôn mặt hình thành từ khi trong bụng mẹ, ảnh hưởng đến chức năng hô hấp và hấp thụ của trẻ. Để có thể phát triển bình thường, trẻ cần được phẫu thuật tạo hình vòm nhằm phục hồi nguyên vẹn vòm và đảm bảo chức năng của vòm hầu. Tùy theo mức độ tổn thương của trẻ, phẫu thuật viên sẽ cân nhắc lựa chọn kỹ thuật tạo hình vòm phù hợp nhất.

KHE HỞ VÒM LÀ GÌ?

Vòm chính là phần ngăn cách giữa khoang mũi và khoang miệng, gồm có 2 phần, phía trước là phần vòm cứng, phía sau là phần vòm mềm.

Trong khoảng 3 tháng đầu thai kì, vòm được hình thành từ ụ hàm trên 2 bên, phát triển vào giữa và hợp nhất với nhau theo đường dọc giữa. Nếu quá trình này không xảy ra như bình thường, hai bên vòm không hợp nhất với nhau tại đường dọc giữa thì hình thành nên khe hở. Hệ quả là khe hở vòm được hình thành. Như vậy khe hở vòm có thể chỉ phần vòm mềm, hoặc vòm cứng, hoặc cả hai. Khe hở vòm có thể kèm theo khe hở môi và khe hở cung răng.

Hình ảnh minh họa so sánh cấu trúc giải phẫu của trẻ bình thường và trẻ bị khe hở vòm. 

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới sự hình thành của dị tật này và không phải lúc  nào cũng xác định được. Nhiều trường hợp do di truyền từ cha mẹ sang con. Cũng có thể do tiền sử sử dụng thuốc (corticosteroid, anticonvulsant,…), thuốc lá, uống rượu, hay thiếu hụt acid forlic,….của người mẹ. Đôi khi yếu tố gen phối hợp cùng yếu tố môi trường gây ra khe hở vòm. Vì vậy, rất khó để chỉ ra nguyên nhân chính xác gây ra khe hở vòm.

Dị tật khe hở vòm khiến trẻ gặp nhiều khó khăn trong ăn uống, hô hấp, phát âm và hòa nhập với xã hội. Để có thể cải thiện lại chức năng của vòm hầu, trẻ cần được phẫu thuật tạo hình vòm.

Xem thêm: Giới thiệu bệnh lý khe hở vòm 

KHI NÀO TRẺ CÓ THỂ PHẪU THUẬT ĐIỀU TRỊ KHE HỞ VÒM? 

Thời điểm phẫu thuật được khuyên là trước khi trẻ tập nói, giao động 9-12 tháng. Một số trung tâm có thể phẫu thuật muộn hơn. Nếu trẻ có tình trạng viêm đường hô hấp như ho, chảy dịch mũi đục, sốt thì nên chờ đợi cho trẻ ổn định.

Đặc biệt cha mẹ cần lưu ý về vấn đề dinh dưỡng để đảm bảo trẻ có thể trạng tốt, cân nặng đủ, đáp ứng đủ các điều kiện phẫu thuật điều trị khe hở vòm.

PHẪU THUẬT ĐIỀU TRỊ KHE HỞ VÒM ĐƯỢC THỰC HIỆN NHƯ THẾ NÀO? 

Hiện tại có nhiều kỹ thuật tạo hình vòm khác nhau. Việc lựa chọn kĩ thuật nào phụ thuộc vào tình trạng khe hở vòm, kinh nghiệm của phẫu thuật viên,…Tuy nhiên tất cả các kỹ thuật này đều hướng tới mục tiêu chung là:

  • Đóng kín được khe hở
  • Phục hồi được cấu trúc giải phẫu về bình thường
  • Đảm bảo chức năng của vòm trong động tác nói, nuốt

Phần vòm mềm: được tạo hình theo đường thẳng hoặc đường chữ Z

  • Đường thẳng: rạch niêm mạc 2 bên khe hở, sau khi giải phóng cơ vòm khỏi điểm bám, và tiến thành khâu cơ và niêm mạc 2 bên với nhau.
  • Đường chữ Z ( Furlow palatoplasty): Thay đổi hướng cơ nâng vòm và tăng thêm chiều dài vòm mềm.

Hình ảnh minh họa tạo hình vòm kỹ thuật đường chữ Z (Furlow palatoplasty)

Phần vòm cứng: Gồm khuyết cả xương và niêm mạc che phủ. Che phủ khe hở bằng phần niêm mạc là đủ. Phần xương không cần can thiệp.

  • Kỹ thuật Von-Langenbeck: Lóc tách niêm mạc khỏi xương, vẫn để lại phần niêm mạc liên kết với lợi tại phía trước của miệng. Ưu điểm là tăng cường cung cấp máu cho vạt niêm mạc, nhưng không đẩy phần vòm về phía sau được
  • Kỹ thuật Veau-Wardill-Kilner: lóc tách niêm mạc khỏi xương vòm như phướng pháp trên nhưng không giữ lại phần liên kết của niêm mạc với phần lợi phía trước miệng. Ưu điểm, vòm được đẩy về phía sau làm tăng chiều dài vòm nhưng có nguy cơ thiếu máu vạt niêm mạc.

HÌNH ẢNH THỰC TẾ KẾT QUẢ PHẪU THUẬT ĐIỀU TRỊ KHE HỞ VÒM Ở TRẺ


Kết quả sau phẫu thuật tạo hình vòm kỹ thuật đường chữ Z ( Furlow palatoplasty)

Kết quả sau phẫu thuật tạo hình vòm kỹ thuật Von-Langenbeck

Một trường hợp khác cũng tạo hình vòm theo kỹ thuật Von-Langenbeck

Kết quả sau phẫu thuật tạo hình vòm kỹ thuật Veau-Wardill-Kilner

LƯU Ý KHI PHẪU THUẬT ĐIỀU TRỊ KHE HỞ VÒM Ở TRẺ

Cha mẹ cần đưa trẻ tới thăm khám ở các cơ sở chuyên khoa để được tư vấn cụ thể thời điểm và phương pháp phẫu thuật phù hợp nhất với tình trạng của con.

Ngoài ra điều trị toàn diện khe hở vòm là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự kết hợp của nhiều nhóm chuyên gia và sự đồng hành của cả gia đình. Phẫu thuật chính là bước đặt nền móng đầu tiên, ảnh hưởng tới kết quả điều trị sau này của trẻ nên hãy lựa chọn các địa chỉ uy tín với phẫu thuật viên được đào tạo bài bản, giàu kinh nghiệm.

Lưu ý mặc dù một số biến dạng môi, mũi đã được chỉnh sửa ở lần phẫu thuật điều trị khe hở vòm nhưng khi trẻ lớn lên, những cấu trúc này vẫn tiếp tục thay đổi. Do đó để hoàn thiện về mặt thẩm mỹ, trẻ sẽ cần thực hiện thêm phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ mũi/môi.

Xem thêm:

Chăm sóc sau phẫu thuật vòm 

Liên hệ để được tư vấn

Bác sĩ Phượng

Bác sĩ Phượng

"Mong rằng những thông tin về bệnh lý khe hở môi vòm được tổng hợp từ các nguồn tài liệu y khoa uy tín và những kinh nghiệm điều trị thực tế sẽ giúp các phụ huynh có thêm những hiểu biết hữu ích. Từ những kiến thức này, các bậc phụ huynh sẽ biết cách chăm sóc trẻ mắc dị tật khe hở môi vòm một cách hiệu quả, các phương pháp điều trị phù hợp, góp phần nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần cho trẻ"

Liên hệ với bác sĩ