Theo thông tin từ Khoa Sọ mặt tạo hình – Bệnh viện Nhi Trung ương, đây là một ca bệnh hiếm, khó, đặc biệt có nguy cơ tử vong cao nếu không được can thiệp kịp thời. Chính vì thế ngay sau khi chào đời bé T.A đã được thở máy và hội chẩn cấp cứu liên khoa để tiến hành phẫu thuật cắt bỏ khối u bằng phương pháp can thiệp xâm lấn tối thiểu.
ĐIỀU TRỊ U NANG BẠCH HUYẾT “KHỔNG LỒ” VÙNG CỔ BẰNG CAN THIỆP ÍT XÂM LẤN
Kết quả siêu âm chẩn đoán trước sinh cho thấy bé T.A có khối u nang vùng cổ lớn. Để chuẩn bị cho cho các phương án điều trị tiếp theo, ngay sau khi chào đời tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, bé T.A được đặt nội khí quản và chuyển sang Bệnh viện Nhi Trung ương.
Tại đây qua thăm khám, Thạc sĩ Đặng Hoàng Thơm – Trưởng khoa Sọ mặt tạo hình cho biết trẻ mắc u nang bạch huyết vùng cổ thành sau họng. U nang bạch huyết là một bất thường bẩm sinh của hệ thống bạch huyết, bệnh lành tính nhưng mức độ tiến triển và xâm lấn như u ác tính.
Hình ảnh khối u bạch huyết ở vùng cổ thành sau họng của bé T.A
Trường hợp bé T.A khối u có kích thước rất lớn lại nằm ở vùng cổ nên dễ gây chèn ép đường thở, thực quản, gây đe dọa đến tính mạng của trẻ. Vì thế các bác sĩ nhận định đây là tình trạng cấp cứu và cần can thiệp càng sớm càng tốt.
Ngay sau đó bệnh viện đã tiến hành hội chẩn cấp cứu giữa bác sĩ phẫu thuật tạo hình, bác sĩ sơ sinh, bác sĩ gây mê, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh,… Nếu lựa chọn phẫu thuật cắt khối u, trẻ sẽ đối mặt với nhiều rủi ro bởi vùng cổ có nhiều cấu trúc quan trọng như thần kinh, mạch máu, khí quản và thực quản…Chưa kể nguy cơ để lại sẹo sau mổ, mất nhiều thời gian để phục hồi và tỷ lệ tái phát cao hơn.
Hình ảnh khối u nang bạch huyết trong phim chụp CT. Có thể thấy kích thước khối u rất lớn, gây chèn ép vào đường thở, đe dọa tới tính mạng của trẻ.
Cuối cùng nhóm điều trị đã quyết định điều trị cho bé bằng phương pháp can thiệp xâm lấn tối thiểu – 1 xu thế mới hiện nay của thế giới để điều trị bệnh lý này. Theo đó thay vì phải phẫu thuật để cắt khối u gây đau đớn, có nhiều rủi ro cho sức khỏe của trẻ thì các bác sĩ sẽ tiến hành tiêm thuốc làm xơ hóa khối u. Sau 3 ngày điều trị khối u, bé T. A được rút nội khí quản và tự thở. Bé được ghép mẹ sau 5 ngày và chăm sóc như trẻ sơ sinh bình thường.
Như vậy với sự hợp tác của nhiều chuyên khoa và các bác sĩ hàng đầu tại khoa Sọ mặt tạo hình – Bệnh viện Nhi Trung ương, bé T.A đã được “giải thoát” khỏi khối u “khổng lồ” rất hiệu quả, không phải chịu nhiều tổn thương.
Xem thêm:
Bố mẹ cần biết về u bã đậu và u phần mềm bội nhiễm ở trẻ
U NANG BẠCH HUYẾT: TƯỞNG “HIỀN” MÀ LẠI CHẲNG…LÀNH!
U nang bạch huyết dù lành tính nhưng tiến triển và xâm lấn như ác tính. Ví dụ như trường hợp của bé T.A u nang bạch huyết có kích thước rất lớn, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, thậm chí là tính mạng.
U nang bạch huyết thường xuất hiện ngay sau sinh với tỷ lệ 65%, tiếp tục xuất hiện khi trẻ 2 tuổi. Nguyên nhân gây ra u nang bạch huyết được cho là có liên quan đến tới bất thường số nhiễm sắc thể và di truyền như hội chứng Down, Turner và hội chứng Noonan.
Có 3 giả thuyết về cơ chế hình thành của nang bạch huyết:
- Sự tắc nghẽn sớm của mạch bạch huyết vùng cổ làm cản trở sự lưu thông giữa các hệ bạch huyết vùng cổ và tĩnh mạch cảnh.
- Là hậu quả của hiện tượng bất thường mô lympho giai đoạn phôi gây ra sự sai sót trong lưu thông của các kênh bạch huyết.
- Do sự phát triển bất thường của các mạch bạch huyết xảy ra vào tuần thai thứ 6 đến tuần thai thứ 9 của thai kỳ tạo nên những nang chứa đầy bạch huyết.
Như đã đề cập ở phần trên u nang bạch huyết là lành tính nhưng mức độ xâm lấn và tiến triển như ác tính. Vì thế cha mẹ tuyệt đối không được chủ quan xem nhẹ căn bệnh này.
Bệnh có thể gây ra chảy máu nhỏ, viêm mô tế bào tái phát và rò rỉ dịch bạch huyết. Nguy hiểm hơn, nếu u nang bạch huyết có kích thước lớn ở vùng cổ như trường hợp của bé T.A có thể gây khó nuốt, các rối loạn hô hấp và nhiễm trùng.
CẦN LÀM GÌ KHI PHÁT HIỆN CÓ U NANG BẠCH HUYẾT?
Thăm khám ngay với bác sĩ chuyên khoa nếu nghi ngờ trẻ có các dấu hiệu của u nang bạch huyết.
U nang bạch huyết có thể xuất hiện tại bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, thường gặp nhất là vị trí đầu mặt cổ, ngoài ra có thể gặp ở ngực, bụng và tứ chi.
Dấu hiệu đặc trưng của loại u này là u nang, mềm, kém di động, ấn không xẹp, kích thước từ vài milimet tới khối khổng lồ. Trẻ cũng có thể xuất hiện khối sưng đau, căng, màu tím do biến chứng của nang bạch huyết gây ra như nhiễm trùng, xuất huyết trong nang. U nang kích thước lớn ở vùng cổ có thể gây chèn ép vùng cổ, hạn chế vận động khớp ở chi.
Khi phát hiện có các dấu hiệu nghi ngờ mắc u nang bạch huyết, cần thăm khám và tư vấn ngay với bác sĩ chuyên khoa. U nang bạch huyết thường được chẩn đoán qua siêu âm hoặc chụp MRI với 3 type:
- Type 1: Nang duy nhất, kích thước lớn
- Type 2: Gồm nang kích thước lớn, và một số nang kích thước nhỏ hơn
- Type 3: Gồm nhiều nang kích thước nhỏ
Hiện nay, 2 phương pháp điều trị u nang bạch huyết phổ biến là:
- Phương pháp can thiệp ít xâm lấn: Dưới hướng dẫn của chẩn đoán hình ảnh, tiêm Bleomycin vào trong nang bạch huyết áp dụng 1-6 tháng /1 lần.
- Phẫu thuật: áp dụng khối u nang khu trú, có thể tiên lượng phẫu thuật cắt bỏ được.
Nhìn chung nang type 1, 2 cho tiên lượng khá tốt sau điều trị. Nang type 3 tiên lượng kém hơn, đáp ứng điều trị chậm hơn, tỷ lệ tái phát cao
Trường hợp bé T.A nhờ được phát hiện sớm từ trong bụng mẹ nên có kế hoạch can thiệp kịp thời, ngăn chặn được các biến chứng nguy hiểm.
Sự thành công của ca điều trị là thành quả phối hợp của nhiều chuyên gia đầu ngành từ nhiều chuyên khoa khác nhau của Bệnh viện Nhi Trung ương. Đây là bệnh viện đầu ngành về nhi khoa, nơi điều trị những bệnh lý hiếm và khó của trẻ em trên cả nước.
Xem thêm:
Phẫu thuật điều trị khe hở vòm
Phẫu thuật điều trị khe hở môi
Liên hệ để được tư vấn: