Trẻ có những dấu hiệu sau – Cha mẹ cần đưa con đi khám sớm

Tin tức 11/28/2019
Trẻ nhỏ khi có các vấn đề về sức khoẻ thường có những biểu hiện, triệu chứng đa dạng và có những lúc không rõ ràng. Việc này gây ảnh hưởng đến việc phát hiện sớm bệnh, bỏ qua dấu hiệu bệnh nặng của trẻ.

Tại những khoa Cấp cứu của Bệnh viện, nhân viên y tế thường gặp các trường hợp cha mẹ không nhận biết được dấu hiệu bệnh nặng để đưa trẻ đi khám sớm, ảnh hưởng đến việc điều trị can thiệp, phục hồi sức khoẻ cho trẻ.

Ngược lại, cũng có rất nhiều cha mẹ lo lắng quá mức về tình trạng của trẻ. Bất kỳ dấu hiệu nào cũng đứa con đi khám cấp cứu và yêu cầu được khám ngay mặc dù nhân viên y tế đánh giá tình trạng của trẻ chưa cần phải khám cấp cứu và có thể theo dõi được. Việc này ảnh hưởng đến thời gian, tiền bạc của bệnh nhân, thậm trí gây ra những sự hiểu lầm không cần thiết của người nhà bệnh nhân với nhân viên y tế.

Các biểu hiện của trẻ cha mẹ cần biết để đưa con đi khám

Các bố mẹ và gia đình bệnh nhân có thể tham khảo một số dấu hiệu dưới đây để đánh giá tình trạng của trẻ, đưa trẻ đi khám kịp thời hoặc bình tĩnh với trường hợp của trẻ, phối hợp với nhân viên y tế khi con không trong tình trạng cấp cứu.

Một số dấu hiệu phản ánh tình trạng bệnh nặng ở trẻ:

Về hô hấp:

  • Trẻ khó thở : thở nhanh hơn so với mức bình thường kèm theo các biểu hiện rút lõm lồng ngực, hõm ức, cánh mũi phập phồng…
  • Có thể nghe thấy các tiếng thở rít rõ hay tiếng trẻ thở khò khè, thở rên ở trẻ nhỏ dưới 2 tháng.
  • Trẻ có dấu hiệu tím môi, đầu ngón chân, ngón tay.
  • Màu sắc da thay đổi: xanh, tái.
  • Nặng hơn trẻ có biểu hiện rối loạn nhịp thở như có cơn ngừng thở hoặc ngừng thở (quan sát lồng ngực, bụng không phập phồng theo nhịp thở)

Về tuần hoàn:

  • Trông trẻ xanh sao mệt mỏi, da tái nhợt do thiếu máu, hoặc mất máu nặng do chấn thương (chảy máu ra ngoài cơ thể hoặc chảy máu bên trong cơ thể)
  • Thấy trẻ chảy máu kéo dài, không cầm được.
  • Trẻ mất nước nặng (do nôn nhiều, ỉa chảy cấp…) biểu hiện bằng các triệu chứng uống nước háo hức, kích thích vật vã hoặc li bì, hôn mê.
  • Nặng hơn, trẻ tím tái, ngừng tim (áp tai vào vùng ngực không nghe thấy tiếng tim đập)

Về thần kinh:

  • Trẻ co giật
  • Trẻ li bì, hôn mê: gọi hỏi không khóc, không trả lời hoặc không co tay, chân lại khi bị cấu véo; khó đánh thức trẻ dậy.
  • Trẻ rất đau, tinh thần hoảng loạn, kích thích

Các bệnh cấp cứu ngoại khoa: 

Trẻ có biểu hiện của một số bệnh ngoại khoa như lồng ruột, xoắn ruột, tắc tá tràng, không hậu môn…với các triệu chứng như : nôn trớ, đau quặn bụng, ỉa máu , kích thích nhiều…

Các chấn thương nặng:

Rơi từ độ cao > 2m, tai nạn xe cộ mà tốc độ lớn hơn 60km/h, tai nạn do hỏa hoạn, vết thương xuyên thấu…

Các biểu hiện khác:

  • Hạ nhiệt độ (≤ 35.5 độ C) hoặc sốt cao ≥40 độ C.
  • Các trường hợp ngộ độc cấp: Ngộ độc rượu, thuốc trừ sâu, thuốc gây nghiện….
  • Trẻ được chuyển gấp từ các cơ sở y tế khác đến.

Tất cả trẻ ở độ tuổi sơ sinh dưới 28 ngày tuổi có biểu hiện:

  • Sốt, bú kém, có các di tật bẩm sinh: Tim bẩm sinh, không hậu môn, trẻ đẻ non, thấp cân…
  • Ngoài các biểu biện cấp cứu trên, khi trẻ có các dấu hiệu bất thường khác như: Nôn , sốt, ỉa chảy, đau bụng, đau đầu… hoặc cha, mẹ cảm thấy con “khang khác”, lo lắng, không yên tâm về trẻ cũng nên đưa trẻ đi khám sớm để phát hiện và điều trị kịp thời .

Các phòng khám cấp cứu tại Bệnh viện Nhi TW

Khi bệnh nhi có một trong những biểu hiện trên, gia đình cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám.

Khi đến Bệnh viện Nhi trung ương, gia đình có thể cho con vào trực tiếp các phòng cấp cứu sau:

  • Trung tâm Cấp cứu và Chống độc – tầng 1 nhà 15 tầng
  • Phòng khám 24h 01 – Khoa Khám và điều trị 24h
  • Phòng khám C113 – Khoa Khám bệnh chuyên khoa vào 7h – 18h30 hằng ngày
  • Phòng số 10 – Khoa Khám bệnh đa khoa 7h – 18h30 thứ 2 – thứ 6
  • Phòng S1- 121 – Khoa Quốc tế

Lưu ý: Các trường hợp cấp cứu đều được ưu tiên, thủ tục hành chính có thể hoàn thiện sau. 

Nguồn: Bệnh viện Nhi TW

 

 

Bác sĩ Phượng

"Mong rằng những thông tin về bệnh lý khe hở môi vòm được tổng hợp từ các nguồn tài liệu y khoa uy tín và những kinh nghiệm điều trị thực tế sẽ giúp các phụ huynh có thêm những hiểu biết hữu ích. Từ những kiến thức này, các bậc phụ huynh sẽ biết cách chăm sóc trẻ mắc dị tật khe hở môi vòm một cách hiệu quả, các phương pháp điều trị phù hợp, góp phần nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần cho trẻ"

Liên hệ với bác sĩ