Điều trị di chứng thiểu sản vòm hầu

Điều trị di chứng thiểu sản vòm hầu thường là phẫu thuật đóng kín vòm hầu để luồng khí và sóng âm đi đúng hướng, khôi phục lại phát âm cho trẻ.

Khoảng 20-30% trường hợp trẻ sau khi được phẫu thuật đóng kín khe hở vòm, cha mẹ hoặc thầy cô giáo phát hiện thấy giọng nói của trẻ không được cải thiện, thậm chí còn khó nghe hơn. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này có thể do di chứng thiểu sản vòm hầu sau phẫu thuật điều trị khe hở vòm khiến luồng khí và sóng âm thoát lên mũi khi trẻ nói. Để cải thiện khả năng phát âm cho trẻ cần thực hiện phẫu thuật đóng kín vòm hầu để luồng khí và sóng âm đi đúng hướng, không thoát lên mũi.

THIỂU SẢN VÒM HẦU LÀ GÌ? 

Để hiểu về bệnh lý thiểu sản vòm hầu, chúng ta cần tìm hiểu về quá trình phát âm như sau:

Khi phát âm, luồng khí được đưa từ dưới phổi qua khí quản làm rung dây thanh âm tại thanh quản. Sau đó sóng âm cùng với dòng khí này tiếp tục được đưa lên tới hạ họng.  Để tạo ra hầu hết âm thanh thì dòng khí và sóng âm này được đưa trực tiếp vào khoang miệng và vòm hầu được đóng kín để dòng khí này không lên mũi. Động tác ngăn cách khoang mũi và khoang miệng này được thực hiện bởi vòm mềm và thành họng.

Hình ảnh minh họa quá trình phát âm ở trẻ không bị thiểu sản vòm hầu: Vòng thắt được tạo bởi vòm mềm và thành họng được đóng kín, dẫn tới luồng khí và sóng âm từ hạ họng đi hoàn toàn vào trong khoang miệng.

Như vậy, vòm mềm và thành họng bên giữ vai trò quan trọng, được miêu tả như “cái van” để điều chỉnh hướng đi của sóng âm và luồng khí khi trẻ nói. Khi phát âm, vòm mềm sẽ di chuyển chạm thành họng sau, thành bên họng di chuyển vào giữa chạm vòm mềm, giúp hình thành vòm thắt kín không cho khí đi lên mũi khi phát âm.

Ở trẻ bị thiểu sản vòm hầu, vòm mềm và thành họng không tạo thành vòm thắt kín khiến khí đi lên mũi khi phát âm.

Tuy nhiên ở trẻ bị thiểu sản vòm hầu, “cái van” này hoạt động không hiệu quả, nghĩa là vòm mềm và thành họng không tạo thành vòm thắt kín. Hay nói cách khác, luồng khí và sóng âm sẽ bị tràn lên mũi khi trẻ nói, khiến giọng nói trở nên khó nghe. Di chứng này gặp ở khoảng 20- 30% trẻ sau phẫu thuật điều trị khe hở vòm.

Xem thêm:

Một số rối loạn ngôn ngữ mà trẻ bị khe hở môi vòm có thể gặp phải 

Di chứng thông mũi miệng 

Tâm lý của trẻ bị khe hở môi vòm qua các giai đoạn phát triển 

NHỮNG ĐẶC ĐIỂM NHẬN BIẾT TRẺ BỊ THIỂU SẢN VÒM HẦU 

  • Nói giọng mũi (hypernasality), quá nhiều khí lên mũi khi trẻ nói
  • Thoát hơi qua lỗ mũi
  • Phụ âm yếu, không tròn âm vì áp lực trong khoang miệng không đủ
  • Độ dài bài của câu nói ngắn do thoát khí qua lỗ mũi
  • Âm thanh bị biến dạng.

CHẨN ĐOÁN THIỂU SẢN VÒM HẦU

Khi phát hiện trẻ có các đặc điểm nghi ngờ bị thiểu sản vòm hầu nêu trên, cha mẹ cần đưa trẻ tới các cơ sở chuyên khoa để được thăm khám và chẩn đoán chính xác. Thông thường bác sĩ sẽ đưa ra kết luận trẻ có bị thiểu sản vòm hầu hay không trên các yếu tố:

  • Trẻ có rối loạn ngôn ngữ dạng cộng hưởng âm thanh: trẻ nói giọng mũi, âm thanh không tròn, yếu.
  • Có hiện tượng thoát khí qua lỗ mũi khi trẻ nói.
  • Kết quả nội soi và chiếu vòm dưới màn tăng sáng cho thấy vòm hầu đóng không kín, còn khoảng cách từ vòm mềm tới thành họng sau, thoát khí và hơi khi trẻ nói. 

PHẪU THUẬT ĐIỀU TRỊ THIỂU SẢN VÒM HẦU NHƯ THẾ NÀO? 

Với các trường hợp trẻ đã có chẩn đoán bị thiểu sản vòm hầu, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng phẫu thuật hoặc đặt vật liệu nhân tạo để đóng kín vòm hầu, giúp không khí không bị thoát lên mũi khi trẻ nói.

Có nhiều phương pháp phẫu thuật điều trị thiểu sản vòm hầu:

  • Phẫu thuật vòm thì tiếp theo, mục đích làm hẹp khoang họng bằng phương pháp kéo dài vòm mềm ra sau
  • Vạt thành hầu sau hoặc vạt cơ thắt thành hầu, mục đích để làm hẹp khoang họng bằng tăng cường thêm tổ chức.

Tùy theo nguyên nhân mà có thể áp dụng một phương pháp hay nhiều phương pháp cùng lúc hoặc theo tuần tự.

Phẫu thuật kéo dài vòm mềm ra sau

Tên gọi: Phương pháp phẫu thuật vòm Furlow hay Z-plasty

Chỉ định:

  • Được coi là chỉ định đầu tiên trên trẻ mắc thiểu sản vòm hầu
  • Khi lỗ hở vòm hầu có kích thước nhỏ
  • Di động vòm bị hạn chế do hướng cơ nâng vòm còn lệch, hoặc do sẹo co kéo vòm.

Kĩ thuật: Rạch chữ Z cả phần niêm mạc miệng và niêm mạc mũi. Phẫu tích vạt niêm mạc cơ nâng vòm. Xoay lại hướng vạt cơ nâng vòm trở về hướng sinh lý nhất đồng thời tăng chiều dài vòm ra sau. Điều này sẽ làm tăng khả năng đóng kín lỗ vòm hầu.

Hình ảnh minh họa phương pháp phẫu thuật vòm Furlow hay Z-plasty

Vạt thành hầu sau       

Tên gọi: Pharyngeal flap pharyngoplasty

Chỉ định:

  • Khi khoảng cách từ vòm mềm tới thành họng sau lớn.
  • Thường là bước làm sau khi đã thực hiện phẫu thuật vòm lại theo phương pháp Z-plasty mà vẫn còn lỗ hở ở thành họng sau.

Kỹ thuật: Phẫu tích vạt cơ, niêm mạc tại thành họng sau, di chuyển lên trên và ra trước để đính vào vòm mềm. Kết quả là đóng khoảng cách được tạo ra phía sau vòm mềm, để lại hai lỗ hở ở hai bên vòm mềm cho khí đi qua để thở và dịch mũi thoát xuống họng.

Tiên lượng kết quả sau phẫu thuật phụ thuộc rất lớn vào thiết kế vạt, vị trí vạt và kĩ thuật phẫu tích vạt.

Biến chứng nặng nề nhất là khó thở sau phẫu thuật. Vì vậy, chỉ định trên từng bệnh nhân  và thiết kế vạt giữ vai trò quan trọng để giảm nguy cơ này.

Hình ảnh minh họa phương pháp phẫu thuật vạt thành hầu sau.

Vạt cơ thắt thành hầu bên

Tên gọi: Sphincter pharyngoplasty

Chỉ định: Phương pháp này cho kết quả tốt và khuyến cáo thực hiện khi mức độ di chuyển của thành họng bên bị hạn chế. (Được chẩn đoán dựa vào nội soi vòm mềm).

Kĩ thuật: Vạt cơ niêm mạc được phẫu tích từ thành họng 2 bên, cùng xoay vào trong, ra sau để cố định vào thành họng sau. Vị trí cố định trên thành họng sau được khuyến cáo là ngang mức với điểm vòm mềm dự kiến chạm vào thành họng. Kết quả là làm hẹp khoang họng 2 bên, để lại lỗ thở ở vị trí trung tâm. Khác với vạt thành hầu sau là để lỗ thở ở 2 bên. 

Khuyến cáo trẻ nên cắt Amydan hoặc nạo AV trước phẫu thuật này tối thiểu 3 tuần.

Nguy cơ biến chứng nặng nề nhất là khó thở sau phẫu thuật. Để giảm nguy cơ này, chỉ định trên từng bệnh nhân và thiết kế vạt phải rất cẩn trọng.

Hình ảnh minh họa phương pháp phẫu thuật vạt cơ thắt thành hầu bên. 

Như vậy có thể thấy để đảm bảo phẫu thuật điều trị thiểu sản vòm hầu hiệu quả, giảm thiểu tối đa các nguy cơ biến chứng, cha mẹ nên lựa chọn các cơ sở y tế uy tín, có đội ngũ bác sĩ chuyên sâu về tạo hình hàm mặt ở trẻ em. 

Xem thêm:

Chăm sóc trước phẫu thuật 

Điều trị toàn diện khe hở môi vòm 

Liên hệ để được tư vấn:

Bác sĩ Phượng

Bác sĩ Phượng

"Mong rằng những thông tin về bệnh lý khe hở môi vòm được tổng hợp từ các nguồn tài liệu y khoa uy tín và những kinh nghiệm điều trị thực tế sẽ giúp các phụ huynh có thêm những hiểu biết hữu ích. Từ những kiến thức này, các bậc phụ huynh sẽ biết cách chăm sóc trẻ mắc dị tật khe hở môi vòm một cách hiệu quả, các phương pháp điều trị phù hợp, góp phần nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần cho trẻ"

Liên hệ với bác sĩ