“Giải cứu” trẻ đã 2 lần phẫu thuật vòm ăn vẫn bị sặc lên mũi và nói rất ngọng

Tin tức 04/25/2020
Trẻ bị di chứng thông mũi miệng sau 2 lần phẫu thuật vòm với chuyên gia Mỹ nhưng không thành công đã được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương can thiệp kịp thời.

Khi được bố mẹ đưa tới Khoa Sọ mặt tạo hình – Bệnh viện Nhi Trung ương, bé T.P dù đã 5 tuổi nhưng nói rất ngọng, ăn uống bị sặc lên mũi, nhút nhát và ngại giao tiếp. Qua thăm khám và chẩn đoán, các bác sĩ xác định bé gặp phải di chứng thông mũi miệng sau phẫu thuật điều trị khe hở vòm. Giải pháp lúc này là phẫu thuật tạo hình vòm thì 2 đóng lại khe hở để giúp trẻ khôi phục chức năng nhai nuốt và phát âm. 

Di chứng thông mũi miệng sau phẫu thuật điều trị khe hở vòm khiến bé gặp nhiều khó khăn trong ăn uống và giao tiếp, dẫn tới tâm lý nhút nhát, tự ti. (ảnh minh họa)

Khe hở vòm là một trong những dị tật bẩm sinh vùng hàm mặt thường gặp nhất. Để điều trị toàn diện đòi hỏi sự phối hợp của nhiều nhóm chuyên gia cùng với gia đình cũng như bản thân trẻ. Và phẫu thuật tạo hình vòm chính là bước đầu tiên trong quá trình điều trị lâu dài này. 

Như nhiều em bé bị khe hở vòm khác, bé T.P cũng được chỉ định điều trị bằng phẫu thuật tạo hình vòm. Tuy nhiên dù đã trải qua 2 lần mổ với các chuyên gia Mỹ tại cơ sở Việt Nam, tình trạng của bé T.P vẫn không được cải thiện. 

Sau phẫu thuật bé T.P vẫn ăn sặc, uống nước lên mũi, nói ngọng. Tình trạng này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của trẻ, khiến trẻ nhút nhát và rất ngại giao tiếp. Đây cũng là thời điểm trẻ chuẩn bị bước vào giai đoạn tuổi học đường, đến trường để học tập và giao lưu với thầy cô, bạn bè. Nếu không nhanh chóng xử lý những triệu chứng nêu trên, trẻ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc hòa nhập, hình thành tâm lý tự tin hay tồi tệ hơn là bị bạn bè trêu chọc, bắt nạt. 

Tình trạng thông mũi miệng của bé T.P trước phẫu thuật khá nghiêm trọng. 

Lo lắng cho tương lai sau này của con, bố mẹ bé T.P mang hy vọng tìm đến khoa Sọ mặt tạo hình – Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành thăm khám và nhận định  bé bị thông mũi miệng. Đây là một biến chứng có thể gặp phải sau mổ tạo hình vòm với tỷ lệ khoảng 10 – 15% tùy theo từng trung tâm điều trị ở Việt Nam và trên thế giới. Thông mũi miệng được mô tả là tình trạng còn lỗ thủng tại vòm cứng hay vòm mềm sau khi phẫu thuật khe hở vòm. 

Kết quả khám cho thấy vòm mềm có chiều dài ngắn, cơ vòm chưa được giải phóng các vị trí bám sai, hướng cơ vòm còn lệch. Sẹo trung tâm eo vòm xơ, rộng khiến di chuyển vòm mềm bị hạn chế. Vòm cứng thiểu sản nặng, toàn sẹo sơ, tổ chức vòm mềm mại còn lại rất ít.  Lỗ thủng vòm rộng, nằm tại vòm cứng, sát cung răng.

Xem thêm:

Di chứng thông mũi miệng là gì?

Tâm sinh lý của trẻ bị khe hở môi vòm ở giai đoạn tuổi học đường

Với tình trạng của bé T.P, các bác sĩ xác định có 2 mục tiêu điều trị. Trước hết là phải che kín được lỗ thủng vòm tại vòm cứng. Tiếp đến là chỉnh lại hướng cơ ở vòm mềm để phục hồi được chức năng của vòm.

Tuy nhiên thách thức đặt ra lúc này là không thể thực hiện cả 2 mục tiêu cùng lúc vì nguy cơ thất bại rất cao. Chưa kể nếu thất bại ở lần phẫu thuật này thì lần sau càng khó khăn hơn do tổ chức vòm lại bị hoại tử thêm gây thiếu tổ chức.

Do đó theo các bác sĩ giải pháp tốt nhất là đóng lỗ thông tại vòm cứng trước và phẫu thuật lại vòm mềm ở thì tiếp theo. Sau khi trao đổi và bàn bạc, gia đình bé T.P hoàn toàn đồng ý và quyết định cho bé điều trị ngay.

Kết quả sau phẫu thuật tạo hình vòm thì 2, lỗ thông ở vòm cứng đã được đóng kín. 

Ca phẫu thuật kéo dài trong 2 tiếng, áp dụng kỹ thuật dùng vạt còn lại của vòm cứng kết hợp với vạt niêm mạc má từ trên xuống để che phủ tổn thương. Kết quả là lỗ thông tại vòm cứng đã được đóng lại đúng như mục tiêu đề ra. Sau mổ, bé phục hồi tốt, tình trạng sức khỏe ổn định. 

Qua câu chuyện của bé T.P, các bác sĩ có một vài lưu ý đến cha mẹ có trẻ bị khe hở môi vòm:

  • Sau phẫu thuật điều trị khe hở môi vòm nếu phát hiện trẻ có các dấu hiệu bất thường như: bị sặc lên mũi khi uống nước, ăn cháo, uống sữa và tần suất viêm mũi họng cũng cao hơn thì cần nhanh chóng đưa bé tới các cơ sở chuyên khoa để kiểm tra. Đây là những triệu chứng điển hình của di chứng thông mũi miệng.
  • Di chứng thông mũi miệng nếu không được phẫu thuật điều trị kịp thời, ở giai đoạn muộn bé có thể gặp nguy cơ nói ngọng khiến chất lượng sống của trẻ bị ảnh hưởng.
  • Điều trị khe hở vòm là một quá trình lâu dài, trẻ rất cần sự quan tâm và hỗ trợ từ bố mẹ. Vì thế hãy cố gắng giữ suy nghĩ lạc quan, tích cực và sự kiên trì để đồng hành cùng con vượt qua khó khăn. 

Xem thêm:

Các rối loạn ngôn ngữ thường gặp ở trẻ bị khe hở vòm 

Cách điều trị di chứng thông mũi miệng 

Liên hệ để được tư vấn

Bác sĩ Phượng

Bác sĩ Phượng

"Mong rằng những thông tin về bệnh lý khe hở môi vòm được tổng hợp từ các nguồn tài liệu y khoa uy tín và những kinh nghiệm điều trị thực tế sẽ giúp các phụ huynh có thêm những hiểu biết hữu ích. Từ những kiến thức này, các bậc phụ huynh sẽ biết cách chăm sóc trẻ mắc dị tật khe hở môi vòm một cách hiệu quả, các phương pháp điều trị phù hợp, góp phần nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần cho trẻ"

Liên hệ với bác sĩ