Phân loại rối loạn ngôn ngữ ở trẻ bị khe hở vòm

Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ bị khe hở vòm bao gồm rối loạn về cách phát âm, rối loạn về cộng hưởng âm và rối loại về âm thanh. Việc điều trị tùy thuộc vào loại rối loạn ngôn ngữ mà trẻ gặp phải.

Rối loạn ngôn ngữ (nói ngọng) là một di chứng thường gặp sau phẫu thuật điều trị khe hở vòm, ảnh hưởng xấu tới chất lượng cuộc sống và sự phát triển trong tương lai của trẻ. Tuy nhiên nếu được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời thì di chứng này hoàn toàn có thể điều trị được. Đây là thông tin rất quan trọng bởi nhiều phụ huynh vẫn nghĩ rằng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ bị khe hở vòm là hiển nhiên và không có cách nào để khắc phục.

RỐI LOẠN VỀ CÁCH PHÁT ÂM 

Đây là di chứng thường gặp ở phần lớn trẻ sau phẫu thuật điều trị khe hở môi vòm.

Biểu hiện: Trẻ phát ra âm thanh về từ đơn, từ kép, phụ âm,nguyên âm hay diễn đạt câu không đúng. Ví dụ như nuốt âm, âm thanh không tròn,…

Nguyên nhân:

  • Rối loạn này có thể hình thành do cách trẻ trải nghiệm về âm thanh ở giai đoạn sớm trước khi trẻ được phẫu thuật vòm.
  • Hoặc trẻ bị giảm khả năng nghe do viêm tai giữa, tụ dịch trong tai giữa dẫn tới khả năng hiểu về từ, câu nói bị giảm.
  • Hoặc do bệnh lý khác như biến dạng hàm mặt, biến dạng môi, răng, hệ quả là sự phối hợp của các bộ phận phát âm bị rối loạn
  • Hiếm hơn nữa là do các bệnh lý như nhược cơ, rối loạn cơ hô hấp,…

Cách điều trị đối với trẻ bị rối loạn về cách phát âm là trị liệu ngôn ngữ. Các trị liệu viên sẽ kiên trì luyện tập cùng trẻ, sửa lại lỗi phát âm từ, câu cho trẻ, để cách phát âm đúng dần dần trở thành thói quen, phản xạ tự nhiên.

Trị liệu  ngôn ngữ là phương pháp điều trị cho các trường hợp trẻ bị rối loạn phát âm. 

Xem thêm:

Nguyên nhân rối loạn ngôn ngữ ở trẻ bị khe hở vòm 

Trị liệu ngôn ngữ ở trẻ bị khe hở vòm 

RỐI LOẠN VỀ CỘNG HƯỞNG ÂM 

Di chứng này xảy ra ở 20 – 30% trẻ bị khe hở vòm.

Biểu hiện: Sau phẫu thuật vòm, trẻ nói giọng mũi (hypernasality), khí thoát qua lỗ mũi khi trẻ nói. Âm thanh phát ra không tròn, yếu. Một số trẻ cố gắng đóng lại đường thoát khí này bằng cách nhăn mũi hoặc má để hạn chế khí thoát qua mũi ( nasal or facial grimacing).

Nguyên nhân:

  • Thiểu sản vòm hầu: là tình trạng vòm quá ngắn, sẹo biến dạng vòm khiến vòm không chạm được vào thành họng sau khi trẻ nói. Hoặc do thành họng bên di động vào giữa bị hạn chế dẫn tới không chạm được vào vòm mềm khi trẻ nói.
  • Hoặc có thể gặp còn lỗ thông mũi miệng tại vòm.
  • Hệ quả là khí thoát lên mũi khi trẻ nói, và cộng hưởng âm thanh trong miệng bị rối loạn, dẫn tới âm thanh không tròn vành rõ chữ.

Cách điều trị: Vì rối loạn cộng hưởng âm là do bệnh lý thực tổn, không phải là do cách phát âm sai. Vì vậy, điều trị rối loạn này là can thiệp phẫu thuật để chỉnh lại cấu trúc giải phẫu.

Lưu ý: Rối loạn cách phát âm và rối loạn cộng hưởng âm có thể xảy ra đồng thời cùng thời điểm hoặc khác thời điểm trên cùng một trẻ. Một số loại rối loạn phát âm có thể gây nhầm lẫn với rối loạn cộng hưởng âm. Vì thế cha mẹ cần đưa trẻ tới các cơ sở chuyên khoa để thăm khám xác định dạng rối loạn chính xác để từ đó có phương pháp điều trị phù hợp.

Trẻ bị rối loạn cộng hưởng âm cần phải phẫu thuật để điều chỉnh cấu trúc giải phẫu. 

RỐI LOẠN VỀ ÂM THANH

Đây là di chứng rất hiếm gặp, có thể xuất hiện đồng thời với bệnh khe hở vòm.

Nguyên nhân là do bệnh lý tại thanh quản, tức là bộ phận phát ra âm thanh.

Chẩn đoán: Dựa vào kỹ năng đánh giá ngôn ngữ và kết quả nội soi hạ họng.

Điều trị: Kết hợp trị liệu  ngôn ngữ, phẫu thuật hoặc là dùng thuốc.

Xem thêm:

Phẫu thuật điều trị thông mũi miệng

Phẫu thuật điều trị thiểu sản vòm hầu 

Liên hệ để được tư vấn

Bác sĩ Phượng

Bác sĩ Phượng

"Mong rằng những thông tin về bệnh lý khe hở môi vòm được tổng hợp từ các nguồn tài liệu y khoa uy tín và những kinh nghiệm điều trị thực tế sẽ giúp các phụ huynh có thêm những hiểu biết hữu ích. Từ những kiến thức này, các bậc phụ huynh sẽ biết cách chăm sóc trẻ mắc dị tật khe hở môi vòm một cách hiệu quả, các phương pháp điều trị phù hợp, góp phần nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần cho trẻ"

Liên hệ với bác sĩ