Sứt môi hở hàm ếch ở trẻ là một trong những dị tật thường gặp nhất, gây ra nhiều ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ và chức năng cho trẻ. Sự khác biệt về ngoại hình, những khó khăn trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của trẻ bị sứt môi hở hàm ếch khiến nhiều cha mẹ bi quan, suy nghĩ tiêu cực cho rằng đây là dấu chấm hết, không có cơ hội để phát triển bình thường trong tương lai. Tuy nhiên đây hoàn toàn là nhận định sai lầm bởi dị tật sứt môi hở hàm ếch hiện đã có thể điều trị thành công, giúp trẻ lớn lên khỏe mạnh bình thường như bao bạn bè trang lứa.
Sứt môi hở vòm ếch ở trẻ là một dị tật khá phổ biến.
NGUYÊN NHÂN GÂY RA SỨT MÔI HỞ HÀM ẾCH Ở TRẺ
Sứt môi hở hàm ếch ở trẻ thường được chia thành 3 dạng: sứt môi nhưng không bị hở hàm ếch, hở hàm ếch nhưng không bị sứt môi, vừa sứt môi vừa hở hàm ếch.
Nguyên nhân gây ra sứt môi hở hàm ếch ở trẻ vẫn chưa được xác định rõ ràng tuy nhiên các nhà khoa học cho rằng có liên quan đến yếu tố di truyền và yếu tố môi trường.
Cụ thể một số yếu tố sau sẽ làm tăng nguy cơ thai nhi bị sứt môi hở hàm ếch:
- Chủng tộc: người da trắng dễ bị sứt môi hở hàm ếch hơn so với trẻ gốc Á và châu Phi.
- Gia đình có người bị sứt môi hở hàm ếch.
- Người mẹ sử dụng rượu, thuốc lá và một số loại thuốc nhất định trong thời gian mang thai.
- Chế độ dinh dưỡng nghèo nàn, không cung cấp đủ các loại vitamin và khoáng chất.
- Thường xuyên tiếp xúc với môi trường độc hại, nhiễm tia phóng xạ, nhiễm hóa chất.
Xem thêm:
Chẩn đoán và tư vấn trước sinh dị tật sứt môi hở hàm ếch
Tâm lý của trẻ bị sứt môi hở hàm ếch qua các giai đoạn phát triển
VÌ SAO SỨT MÔI HỞ HÀM ẾCH Ở TRẺ CẦN ĐIỀU TRỊ SỚM?
Sứt môi hở hàm ếch của trẻ cần can thiệp đúng lúc và đúng cách bởi dị tật này gây ra nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của trẻ. Cụ thể là:
Trẻ gặp khó khăn trong việc bú sữa, ăn uống
Một trong những khó khăn đầu đời của trẻ bị sứt môi hở hàm ếch là việc bú sữa.
Sứt môi hở hàm ếch khiến trẻ rất vất vả cả khi bú sữa mẹ và bú sữa bình. Bởi khe hở ở môi hoặc vòm miệng sẽ khiến không khí, chất lỏng (sữa) bị rò rỉ xuống vùng mũi. Do đó để đảm bảo trẻ được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, mẹ sẽ được hướng dẫn cách cho trẻ bú đúng để tránh tình trạng sặc sữa. Với các trường hợp bú bình, trẻ cần sử dụng một loại bình chuyên dụng dành cho trẻ bị sứt môi hở hàm ếch.
Khó nói, nói ngọng, phát âm không chuẩn
Một trong những chức năng chính của vòm miệng là hoạt động như một hệ thống van để ngăn không khí thoát ra khỏi mũi trong khi nói. Vì thế khi vòm miệng bị ảnh hưởng bởi dị tật sứt môi hở hàm ếch trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc phát âm, nói giọng mũi quá nhiều hoặc nói ngọng.
Trở ngại về tâm lý và khả năng hòa nhập với xã hội
Sự khác biệt về ngoại hình, giọng nói do ảnh hưởng của sứt môi hở hàm ếch thường thu hút chú ý, khiến trẻ dễ hình thành tâm lý ngại ngùng, xấu hổ, thu mình với thế giới. Đặc biệt ở lứa tuổi đến trường, nếu không có sự theo dõi và hỗ trợ sát sao của cha mẹ, thầy cô, nhiều trẻ sứt môi hở hàm ếch có thể bị bạn bè trêu chọc, bắt nạt.
ĐIỀU TRỊ SỨT MÔI HỞ HÀM ẾCH Ở TRẺ NHƯ THẾ NÀO?
Điều đầu tiên cần làm là thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa trong lĩnh vực này. Bác sĩ sẽ đưa ra kế hoạch điều trị và hướng dẫn cha mẹ những điều cần chuẩn bị (sức khỏe, tài chính) để có thể hỗ trợ tối đa cho con.
Nhìn chung sứt môi hở hàm ếch ở trẻ không chỉ phẫu thuật là xong. Để điều trị toàn diện, trẻ cần sự phối hợp của nhiều chuyên khoa khác nhau, từ bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ nhi khoa, tai mũi họng, răng hàm mặt, gây mê hồi sức cho đến chuyên gia tâm lý. Nhóm này sẽ làm việc với gia đình và chính bản thân trẻ để đưa ra hướng điều trị phù hợp nhất.
Với sự tiến bộ của y học hiện đại, ngày nay đa phần các trường hợp sứt môi hở hàm ếch đều được điều trị kịp thời, cho kết quả tốt, giúp khôi phục lại thẩm mỹ và chức năng cho trẻ. Do đó cha mẹ không nên quá bi quan, hãy dành thời gian bên con để cùng vượt qua những khó khăn trên con đường điều trị.
Xem thêm:
Cách cho trẻ bị sứt môi hở hàm ếch bú
Phẫu thuật điều trị sứt môi (khe hở môi)
Phẫu thuật điều trị hở hàm ếch (khe hở vòm)
Liên hệ để được tư vấn: