Cách cho trẻ bị khe hở môi vòm bú là vấn đề quan tâm sớm nhất của gia đình khi kết quả chẩn đoán trước sinh cho biết trẻ mắc phải dị tật này. Cha mẹ thường hay lo lắng rằng con tôi sẽ bú như thế nào, sữa có lên mũi và làm đau cháu không, lớn lên con tôi có ăn được bình thường như trẻ khác không? Vì thế việc tư vấn và hướng dẫn cách cho trẻ bị khe hở môi vòm bú là rất quan trọng, giúp giải tỏa những lo lắng để an tâm chăm sóc trẻ.
Cha mẹ cần được hướng dẫn về cách cho trẻ bị khe hở môi vòm bú.
Trước khi tìm hiểu chi tiết về cách cho trẻ bị khe hở môi vòm bú cần hiểu về quá trình bú ở trẻ diễn ra như thế nào?
QUÁ TRÌNH BÚ CỦA TRẺ
Quá trình bú gồm 3 động tác chính là bú, nuốt và thở phối hợp chặt chẽ với nhau. Động tác bú phụ thuộc vào khả năng tạo áp lực âm trong khoang miệng, giúp sữa thoát ra từ đầu ti vào khoang miệng. Để tạo được áp lực âm thì khoang miệng phải kín. Do đó khi có khe hở môi, vòm trẻ sẽ gặp khó khăn trong động tác bú do không tạo đủ áp lực âm trong khoang miệng.
Trẻ bị khe hở môi vòm sẽ gặp phải một số nguy cơ như bú kém, nuốt phải không khí, sặc sữa lên mũi, thời gian bú kéo dài,…dẫn tới hệ quả là làm trẻ mệt mỏi và chậm tăng cân. Gia đình cần hiểu được những nguy cơ này và được hướng dẫn cách cho trẻ bị khe hở môi vòm bú.
Xem thêm:
Những điều cần biết về bệnh lý khe hở môi vòm
Tâm sinh lý của trẻ bị khe hở môi vòm qua các giai đoạn phát triển
NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI CHO TRẺ BỊ KHE HỞ MÔI VÒM BÚ
Hầu hết những trẻ khe hở môi, khe hở xương hàm trên đơn thuần có thể tạo được lực hút thích hợp hơn và có thể bú mẹ được khi được hướng dẫn.
Trẻ bị khe hở vòm, sẽ có thoát khí từ mũi xuống miệng qua khe hở vòm. Vì vậy, những trẻ này khó đạt được dinh dưỡng đầy đủ nếu chỉ bú mẹ đơn thuần.
Bình và hệ thống núm vú phải tạo được dòng chảy sữa dễ dàng và phù hợp. Dòng chảy sữa đủ nhanh để trẻ phải chú ý và đủ chậm để cho trẻ phối hợp động tác thở giữa các lần nuốt sữa.
Trong quá trình bú, nếu trẻ có những dấu hiệu của kháng cự do mệt hoặc sặc, cha mẹ cần nhận ra dấu hiệu này sớm để dừng bú kịp thời:
- Ưỡn cổ và đầu ra phía sau để cách xa bình sữa
- Ánh mắt cảnh báo của trẻ như trợn hai mắt cùng với ngừng bú nuốt.
- Sặc, ho khi đang bú
- Giơ tay cảnh báo hay dùng tay đẩy bình sữa ra ngoài
- Sữa chảy qua lỗ mũi.
Thời gian cho mỗi lần bú khoảng 30-40 phút. Nếu thời gian bú quá dài sẽ làm trẻ kiệt sức và ảnh hưởng đến quá trình tăng cân của trẻ.
Lượng sữa được khuyến cáo mỗi ngày là khoảng 150-210 ml sữa công thức hoặc sữa mẹ/ kg cân nặng.
Cần theo dõi cân nặng của trẻ định kỳ để phát hiện dấu hiệu chậm tăng cân nhằm kịp thời điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cho trẻ.
Cho trẻ bị khe hở môi vòm bú đúng cách giúp trẻ hấp thụ được đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết để phát triển bình thường.
HƯỚNG DẪN CÁCH CHO TRẺ BỊ KHE HỞ MÔI VÒM BÚ BÌNH
- Cha mẹ nên pha lượng sữa nhiều hơn lượng mà trẻ có thể bú mỗi lần, điều này tránh hiện tượng trẻ phải ngửa hẳn cổ để bú những giọt sữa cuối cùng.
- Bế trẻ với tư thế đầu vai cao hơn (nghiêng khoảng 45 độ) để tránh sữa chảy vào mũi.
- Dùng ngón tay hay đầu núm vú để chạm vào góc miệng làm dấu hiệu để nhắc trẻ là giờ ăn bắt đầu.
- Đưa núm vú xoay quanh bề mặt lưỡi, tiếp tục đưa vào trong để đỉnh núm vú chạm vào phần vòm mềm, bình sữa được hướng xuống dưới để dòng sữa tránh chảy lên mũi.
- Chỉ khi nào trẻ sẵn sàng (dấu hiệu như đầu cổ trẻ hướng về núm vú, vòng môi ôm lấy quanh núm vú) thì mới bắt đầu cho sữa chảy từ bình vào miệng.
- Quan sát động tác bú nuốt của trẻ để phối hợp giữa trẻ và cha mẹ. Thường trẻ sẽ thở sau 2-3 động tác nuốt.
- Thời kỳ đầu, một số trẻ quá non nên bú và nuốt liên tục, không dừng lại để thở. Chúng ta chủ động rút bình sữa ra để trẻ có động tác thở rồi mới đưa bình trở lại. Thông thường sau vài ngày, thậm chí vài lần bú là trẻ đã có thể phối hợp tốt giữa các động tác bú, nuốt và thở.
- Sau mỗi đợt bú thì trẻ cần được hỗ trợ để thoát hơi trong dạ dày (lượng hơi và trẻ đã nuốt vào qua khe hở trong quá trình bú) bằng cách bế bé ở tư thế đầu và vai cao hơn, có thể bế bé ngửa ôm vào lòng mẹ hoặc bé bé dựng lên để đầu bé tựa vào vai mẹ và cha mẹ giữ vào lưng, cổ của bé.
HƯỚNG DẪN CÁCH CHO TRẺ BỊ KHE HỞ MÔI VÒM BÚ MẸ
Quá trình cho trẻ bị khe hở môi vòm bú mẹ cần sự kiên trì và nhẫn nại của người mẹ.
Đối với trẻ bị khe hở môi đơn thuần
Hầu hết các trẻ bị khe hở môi đơn thuần có thể bú mẹ hoàn toàn, đặc biệt trong giai đoạn 6 tháng đầu.
Một số trẻ có hiện tượng thoát khí qua khe hở môi cha mẹ cần được hướng dẫn cụ thể như sau:
- Điều chỉnh tư thế đầu của trẻ trực diện với núm vú trong khi mẹ trẻ sẽ đẩy một phần nhu mô vú vào lấp đi khe hở môi.
- Hoặc khe hở được che đi bởi ngón tay.
- Quá trình này đòi hỏi sự kiên trì của người mẹ.
Đối với trẻ bị khe hở vòm
Một lượng lớn trẻ bị khe hở vòm khó tạo được áp lực âm trong khoang miệng vì vậy nếu chỉ bú mẹ đơn thuần thường là không đủ năng lượng và dinh dưỡng cho trẻ phát triển
Trẻ cần bú bình hỗ trợ, có thể là sữa mẹ hoàn toàn hay sữa công thức.
Mong rằng những thông tin chi tiết từ chuyên gia về cách hướng dẫn cho trẻ bị khe hở môi vòm bú sẽ giúp cha mẹ an tâm chăm sóc con yêu, đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để phát triển.
Xem thêm:
Phẫu thuật điều trị khe hở môi
Phẫu thuật điều trị khe hở vòm
Liên hệ để được tư vấn: