Tâm sinh lý của trẻ bị khe hở môi vòm qua các giai đoạn phát triển (Phần III)

Tin tức 04/04/2020
Tâm sinh lý của trẻ bị khe hở môi vòm ở giai đoạn vị thành niên có nhiều biến động phức tạp, trẻ độc lập hơn trong suy nghĩ và chịu ảnh hưởng nhiều từ bạn bè.

So với giai đoạn trẻ sơ sinh –  trước khi đến trường và giai đoạn học đường thì giai đoạn vị thành niên của trẻ bị khe hở môi vòm có nhiều biến động, phát triển phức tạp hơn mà cha mẹ cần lưu ý.

Ở giai đoạn vị thành niên, trẻ bị khe hở môi vòm có nguy cơ bị cô lập và tự ti về bản thân. 

Đặc điểm của giai đoạn vị thành niên ở trẻ bị khe hở môi vòm

Khi trẻ bước vào tuổi vị thành niên, trẻ có những thay đổi căn bản về thể chất lẫn tinh thần. Chúng trở nên độc lập hơn trong cách suy nghĩ, chịu ảnh hưởng nhiều từ bạn bè. Hay nói cách khác, mối quan hệ với bạn bè dần trở lên quan trọng và tác động đến mối quan tâm và hành động của trẻ.

Sự khác biệt trên khuôn mặt hay khó khăn trong giọng nói có thể tiếp tục trở thành trò đùa, trêu chọc của bạn bè. Trẻ bị khe hở môi vòm có nguy cơ bị cô lập và tự ti về bản thân.

Trong giai đoạn này, trẻ cũng tham gia vào việc quyết định việc phẫu thuật tiếp để hoàn thiện bản thân. Đôi khi, trẻ không muốn được phẫu thuật thêm vì lo ngại phải bỏ học, phải xa bạn bè, bị bạn bè trêu. Cha mẹ cần có cuộc trao đổi, khuyên trẻ nên tiếp tục có những phẫu thuật chỉnh sửa vì lợi ích lâu dài.

Cha mẹ làm gì để giúp trẻ trong giai đoạn này?

  • Tiếp tục khuyến khích con tham gia các hoạt động để tăng cường các mối quan hệ.
  • Quan tâm kết quả học tập của con, và tư vấn lựa chọn nghề nghiệp.
  • Khuyến khích con tham gia vào quyết định về can thiệp y tế, phẫu thuật. Cùng thảo luận về ưu điểm và nhược điểm của việc trì hoãn phẫu thuật.
  • Tiếp tục xây dựng những tư tưởng và suy nghĩ về hình ảnh bản thân. Trẻ cần được dạy về cách suy nghĩ tích cực về hình ảnh bên ngoài của bản thân và khuyến khích thảo luận về đức tính bên trong mà mỗi con người cần có được như sự tự tin, hài hước và lòng tốt bụng.
  • Khuyến khích trẻ chia sẻ những mối lo lắng, quan tâm về bất kỳ vấn đề gì trong cuộc sống. Việc này, sẽ giúp cha mẹ và bác sĩ sớm nhận ra những dấu hiệu của sự tự ti, trầm cảm để kịp thời can thiệp.

Hy vọng những thông tin trên có thể giúp cha mẹ có được những kiến thức cơ bản về tâm lý của trẻ bị khe hở môi vòm trong giai đoạn vị thành niên để có sự hỗ trợ phù hợp nhất dành cho con. Lưu ý tuyệt đối đừng xem nhẹ vấn đề tâm lý bởi nó không đơn giản là cảm xúc tự tin, xấu hổ, mặc cảm mà về lâu dài có thể chuyển thành bệnh lý hình thành sau khe hở môi vòm.  

 Xem tiếp:

Phần I. Giai đoạn trẻ sơ sinh và trước khi đến trường của trẻ bị khe hở môi vòm 

Phần II. Giai đoạn tuổi học đường của trẻ bị khe hở môi vòm

Liên hệ để được tư vấn:

Bác sĩ Phượng

Bác sĩ Phượng

"Mong rằng những thông tin về bệnh lý khe hở môi vòm được tổng hợp từ các nguồn tài liệu y khoa uy tín và những kinh nghiệm điều trị thực tế sẽ giúp các phụ huynh có thêm những hiểu biết hữu ích. Từ những kiến thức này, các bậc phụ huynh sẽ biết cách chăm sóc trẻ mắc dị tật khe hở môi vòm một cách hiệu quả, các phương pháp điều trị phù hợp, góp phần nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần cho trẻ"

Liên hệ với bác sĩ