Sứt môi hở hàm ếch là gì? 7 thông tin về sứt môi hở hàm ếch bạn cần biết

Tin tức 05/27/2020
Những thông tin cơ bản về sứt môi hở hàm ếch là gì sẽ giúp các bậc cha mẹ có sự chuẩn bị và hỗ trợ tốt nhất cho trẻ.

Sứt môi hở hàm ếch (khe hở môi vòm) là dị tật bẩm sinh vùng hàm mặt phổ biến nhất. 

I. TỔNG QUAN VỀ SỨT MÔI HỞ HÀM ẾCH 

Sứt môi hở hàm ếch là tên thường gọi của dị tật khe hở môi vòm. Đây là dị tật bẩm sinh vùng hàm mặt thường gặp nhất. Không chỉ gây ảnh hưởng về thẩm mỹ, sứt môi hở hàm ếch còn gây ra nhiều biến chứng tác động xấu đến chức năng nghe nói, sức khỏe về thể chất lẫn tinh thần của trẻ. 

II. SỨT MÔI HỞ HÀM ẾCH LÀ GÌ? 

Sứt môi hở hàm ếch làm biến đổi cấu trúc giải phẫu, khiến các mô ở vùng mặt và miệng của trẻ không hợp nhất với nhau. Thông thường, các mô này sẽ hợp nhất môi và vòm miệng trong tháng thứ 2 và thứ 3 của thai kỳ. Nhưng ở trẻ sơ sinh bị sứt môi và hở hàm ếch, sự hợp nhất không bao giờ diễn ra hoặc chỉ xảy ra một phần, để lại một lỗ mở (khe hở).

Nhờ sự phát triển của các phương pháp sàng lọc và chẩn đoán trước sinh, ngày nay chúng ta có thể phát hiện trẻ bị sứt môi hở hàm ếch từ khi trẻ còn đang trong bụng mẹ. 

Thông tin trẻ mang dị tật tất nhiên thường khiến các bậc phụ huynh vô cùng shock, lo lắng và hoang mang không biết chính xác sứt môi hở hàm ếch là gì, liệu có điều trị được không, điều trị như thế nào để sau này không ảnh hưởng tới tương lai của trẻ…Điều quan trọng là cần giữ tinh thần lạc quan, tích cực vì sứt môi hở hàm ếch có thể chữa được. Nếu được can thiệp đúng thời điểm và đúng cách, trẻ hoàn toàn có thể khôi phục lại các chức năng vùng hàm mặt, phát triển bình thường như bao bạn bè cùng trang lứa. 

Xem thêm:

Cách cho trẻ bị sứt môi hở hàm ếch bú 

Cách chăm sóc răng miệng cho trẻ bị sứt môi hở hàm ếch

III. NGUYÊN NHÂN GÂY SỨT MÔI HỞ HÀM ẾCH 

Các nhà nghiên cứu tin rằng hầu hết các trường hợp sứt môi và hở hàm ếch là do sự tương tác của các yếu tố di truyền và môi trường. Ở nhiều trường hợp, rất khó để xác định chính xác nguy cơ gây ra dị tật là gì. 

Một số yếu tố được cho là có thể làm tăng nguy cơ gây ra dị tật sứt môi hở hàm ếch ở trẻ bao gồm:

  • Tiền sử gia đình: nếu trong gia đình của cha mẹ có tiền sử bị sứt môi hở hàm ếch thì em bé sinh ra sẽ có nguy cơ cao gặp phải dị tật này. 
  • Tiếp xúc với một số chất độc hại khi mang thai: trẻ có nguy cơ cao bị sứt môi hở hàm ếch ở những người mẹ hút thuốc lá, uống rượu hoặc sử dụng một số loại thuốc nhất định khi đang mang thai. 
  • Bị tiểu đường. Có một số bằng chứng cho thấy phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường trước khi mang thai có thể tăng nguy cơ sinh con bị sứt môi hở hàm ếch.
  • Bị béo phì khi mang thai. Có một số bằng chứng cho thấy trẻ sinh ra từ phụ nữ béo phì có thể tăng nguy cơ sứt môi hở hàm ếch. 

Với sự hỗ trợ của các xét nghiệm chẩn đoán và sàng lọc trước sinh, trẻ bị sứt môi hở hàm ếch có thể phát hiện từ rất sớm, ngay khi còn trong bụng mẹ. 

IV. BIẾN CHỨNG CỦA SỨT MÔI HỞ HÀM ẾCH 

Trẻ bị sứt môi hở hàm ếch từ mức độ nhẹ cho đến nặng sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe, khó khăn trong đời sống hàng ngày: 

  • Khó cho ăn: trẻ cần dùng bình sữa được thiết kế riêng cho trẻ bị sứt môi hở hàm ếch, cần nhiều thời gian để bú hơn so với trẻ bình thường. 
  • Viêm tai giữa và suy giảm chức năng nghe: trẻ bị sứt môi hở hàm ếch đặc biệt có nguy cơ bị chảy dịch tai giữa và giảm thính lực.
  • Vấn đề về răng miệng: nếu khe hở kéo dài qua nướu trên, sự phát triển của răng có thể bị ảnh hưởng.
  • Giọng nói khó nghe, nói ngọng: bởi vì vòm miệng được sử dụng trong việc hình thành âm thanh nên quá trình phát âm của trẻ có thể bị ảnh hưởng bởi dị tật sử môi hở hàm ếch. 
  • Phải đối mặt với các vấn đề xã hội, cảm xúc và hành vi do sự khác biệt về ngoại hình. 

V. CHẨN ĐOÁN 

Hầu hết các trường hợp sứt môi và hở hàm ếch đều được chú ý ngay khi sinh và không cần xét nghiệm đặc biệt để chẩn đoán. Với sự phát triển của các phương pháp sàng lọc và chẩn đoán trước sinh hiện đại, chúng ta có thể phát hiện trẻ bị sứt môi hở hàm ếch ngay từ trong bụng mẹ. 

VI. ĐIỀU TRỊ SỨT MÔI HỞ HÀM ẾCH 

Mục tiêu của điều trị sứt môi hở hàm ếch là cải thiện khả năng ăn, nói và nghe bình thường của trẻ đồng thời cải thiện lại diện mạo. 

Điều trị sứt môi hở hàm ếch không chỉ phẫu thuật là xong mà đòi hỏi sự phối hợp lâu dài của nhiều nhóm chuyên gia bao gồm: bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ gây mê hồi sức, bác sĩ nhi khoa, bác sĩ tai mũi họng, bác sĩ răng hàm mặt, chuyên viên trị liệu ngôn ngữ, nhà tâm lý học. 

Sứt môi hở hàm ếch hoàn toàn có thể điều trị được giúp trẻ khôi phục lại chức năng và thẩm mỹ vùng mặt. 

VII. PHÒNG NGỪA 

Một số biện pháp mà cha mẹ có thể áp dụng để làm giảm nguy cơ sứt môi hở hàm ếch ở trẻ: 

Tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia di truyền: những người có tiền sử gia đình bị sứt môi và hở hàm ếch, nên tham khảo tư vấn di truyền từ các chuyên gia – người có thể giúp cha mẹ đánh giá nguy cơ trẻ sinh ra có nguy cơ bị sứt môi hở hàm ếch hay không?

  • Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và vitamin: nếu bạn dự định có thai sớm, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc sử dụng vitamin. 
  • Tuyệt đối không sử dụng thuốc lá, uống rượu. Sử dụng rượu hoặc thuốc lá khi mang thai làm tăng nguy cơ sinh con bị dị tật bẩm sinh.
  • Trẻ bị sứt môi hở hàm ếch là điều không ai mong muốn tuy nhiên cha mẹ nên giữ tinh thần lạc quan, suy nghĩ tích cực để có thể hỗ trợ tối đa cho trẻ, đồng hành cùng con trên hành trình điều trị để sớm có thể khôi phục lại chức năng, thẩm mỹ khuôn mặt như bình thường. 

Xem thêm:

Phẫu thuật điều trị sứt môi (khe hở môi)

Phẫu thuật điều trị hở hàm ếch (khe hở vòm)

Liên hệ để được tư vấn

Bác sĩ Phượng

Bác sĩ Phượng

"Mong rằng những thông tin về bệnh lý khe hở môi vòm được tổng hợp từ các nguồn tài liệu y khoa uy tín và những kinh nghiệm điều trị thực tế sẽ giúp các phụ huynh có thêm những hiểu biết hữu ích. Từ những kiến thức này, các bậc phụ huynh sẽ biết cách chăm sóc trẻ mắc dị tật khe hở môi vòm một cách hiệu quả, các phương pháp điều trị phù hợp, góp phần nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần cho trẻ"

Liên hệ với bác sĩ