Trẻ bị sứt môi hở hàm ếch: 4 sự thật không phải ai cũng biết

Tin tức 06/02/2020
Bài viết cung cấp một số kiến thức về trẻ bị sứt môi hở hàm ếch để cha mẹ có những hiểu biết cơ bản về dị tật này, quyết tâm đồng hành cùng con trên hành trình điều trị lâu dài.

Với nhiều bố mẹ, phát hiện trẻ bị sứt môi hở hàm ếch thực sự là một cú shock tâm lý, khiến họ luôn cảm thấy lo lắng và hoang mang. Bởi dị tật này ảnh hưởng tới thẩm mỹ cũng như chức năng ăn nhai, phát âm…của trẻ, khiến con phải chịu nhiều thiệt thòi và khó khăn trong hòa nhập với xã hội. Tuy nhiên trên thực tế sứt môi hở hàm ếch không phải là không thể chữa được, trẻ vẫn có cơ hội phát triển và đạt được những thành tựu như bạn bè cùng trang lứa nếu được can thiệp kịp thời. 

Trẻ bị sứt môi hở hàm ếch là điều không ai mong muốn nhưng cha mẹ không nên quá bi quan, suy nghĩ tiêu cực vì đây không phải là bệnh lý không thể chữa được. 

I. CÓ THỂ PHÁT HIỆN TRẺ BỊ SỨT MÔI HỞ HÀM ẾCH TỪ TRONG BỤNG MẸ 

Thật vậy với sự phát triển của của các phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán trước sinh, chúng ta có thể biết trẻ bị sứt môi hở hàm ếch từ khi còn trong bụng mẹ. Nhờ siêu âm thai, các bác sĩ có thể phát hiện trẻ mắc phải dị tật này ở quý thứ 2 của thai kỳ, khoảng tuần 16 – 18. Điều này giúp cha mẹ có sự chuẩn bị và lên kế hoạch chăm sóc, điều trị cho trẻ sau khi chào đời.

Tuy nhiên nếu trẻ chỉ bị hở hàm ếch thì việc chẩn đoán trước sinh sẽ khó khăn hơn. Theo thống kê chỉ có khoảng 7% trường hợp trẻ bị hở hàm ếch được phát hiện trước khi sinh.

Xem thêm:

Giới thiệu về sứt môi hở hàm ếch

Những rào cản trong việc chẩn đoán trước sinh ở bệnh lý

II. SỨT MÔI HỞ HÀM ẾCH KHÔNG PHẢI LÀ BỆNH LẠ HIẾM GẶP

Đây là dị tật bẩm sinh phổ biến nhất ở vùng hàm mặt và là dị tật bẩm sinh thường gặp thứ 2 sau hội chứng Down. Cha mẹ không cần phải cảm thấy xấu hổ, tìm cách giấu giếm thông tin về tình trạng của con. Chưa kể việc gặp gỡ, trao đổi kiến thức và kinh nghiệm với các gia đình khác có con em cũng bị sứt môi hở hàm ếch sẽ mang lại rất nhiều lợi ích. 

III. BÉ TRAI CÓ NGUY CƠ BỊ SỨT MÔI HỞ HÀM ẾCH CAO GẤP 2 LẦN BÉ GÁI 

Giới tính có ảnh hưởng đến nguy cơ trẻ bị sứt môi hở hàm ếch. Theo đó nguy cơ mắc phải dị tật này ở bé trai cao gấp đôi so với bé gái.

IV. TRẺ BỊ SỨT MÔI HỞ HÀM ẾCH CÓ CUỘC SỐNG HOÀN TOÀN BÌNH THƯỜNG KHI LỚN LÊN 

Trẻ bị sứt môi hở hàm ếch cần được can thiệp y tế kịp thời và đúng cách để khôi phục thẩm mỹ khuôn mặt, cải thiện các chức năng nhai nói, phát âm. 

Cha mẹ cần phải biết rằng phần lớn các trường hợp trẻ bị sứt môi hở hàm ếch đều phát triển bình thường. Trẻ lớn lên, học tập và làm được tất cả những việc mà mọi trẻ em khác làm đồng thời còn có thể gặt hái nhiều thành tựu xuất sắc khác.

Vì thế phụ huynh không nên quá lo lắng, sợ hãi sau khi nghe chẩn đoán trẻ bị sứt môi hở hàm ếch. Hãy giữ cho mình suy nghĩ lạc quan, tích cực để có một thai kỳ khỏe mạnh, đón bé chào đời thuận lợi. Sau đó tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên gia về cách điều trị và những điều cần chuẩn bị cho ngày sinh của trẻ bị sứt môi hở hàm ếch

Nên nhớ để điều trị toàn diện sứt môi hở hàm ếch đòi hỏi sự phối hợp của nhiều chuyên khoa khác nhau: phẫu thuật viên, bác sĩ nhi, bác sĩ tai mũi họng, bác sĩ răng hàm mặt, chuyên viên tâm lý, chuyên viên trị liệu ngôn ngữ… Và đa phần kết quả điều đều rất tốt, trẻ phục hồi lại được thẩm mỹ cũng như các chức năng về nhai, nuốt, phát âm…Điều này mang lại cho con sự tự tin và thoải mái để có thể hòa nhập với xã hội. 

Xem thêm:

Điều trị toàn diện dị tật sứt môi hở hàm ếch

Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ bị sứt môi hở hàm ếch 

Liên hệ để được tư vấn:

Bác sĩ Phượng

Bác sĩ Phượng

"Mong rằng những thông tin về bệnh lý khe hở môi vòm được tổng hợp từ các nguồn tài liệu y khoa uy tín và những kinh nghiệm điều trị thực tế sẽ giúp các phụ huynh có thêm những hiểu biết hữu ích. Từ những kiến thức này, các bậc phụ huynh sẽ biết cách chăm sóc trẻ mắc dị tật khe hở môi vòm một cách hiệu quả, các phương pháp điều trị phù hợp, góp phần nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần cho trẻ"

Liên hệ với bác sĩ