Trong bệnh lý khe hở môi vòm, thiểu sản tầng mặt giữa gặp ở khoảng 25 – 30%. Trẻ bị thiểu sản tầng mặt giữa gây ra tình trạng xương hàm trên bị tụt lại phía sau so với xương hàm dưới, dẫn tới khớp cắn bị lệch hay còn gọi là khớp cắn ngược. Điều này khiến trẻ gặp nhiều khó khăn trong động tác cắn và nhai thức ăn. Bên cạnh đó, thiểu sản tầng mặt giữa còn làm mất đi tỷ lệ cân xứng của khuôn mặt, tác động xấu tới vẻ thẩm mỹ của trẻ.
Biểu hiện đặc trưng của trẻ bị thiểu sản tầng mặt giữa là xương hàm trên bị tụt lại phía sau so với xương hàm dưới.
PHẪU THUẬT TẠO HÌNH HÀM MẶT LÀ GÌ?
Phẫu thuật tạo hình hàm mặt trên trẻ bị khe hở môi vòm được hiểu là phẫu thuật di chuyển hàm trên ra trước hoặc lùi xương hàm dưới ra sau hoặc di chuyển cả 2 xương hàm với mục đích là để chỉnh lại khớp cắn về vị trí thích hợp và tạo hình lại khuôn mặt trở lên cân đối. Sau phẫu thuật, khớp cắn được điều chỉnh giúp trẻ khôi phục khả năng ăn nhai, đảm bảo các chức năng của khung hàm đồng thời lấy lại thẩm mỹ cho khuôn mặt để trẻ tự tin hòa nhập với xã hội.
KHI NÀO TRẺ CÓ THỂ PHẪU THUẬT TẠO HÌNH HÀM MẶT?
Phẫu thuật hàm mặt được thực hiện sau thời điểm xương vùng mặt đã hoàn thành phát triển. Trẻ sẽ được chỉ định chụp X quang hàm mặt để biết xương vùng mặt đã hoàn thành phát triển hay chưa.
Độ tuổi được khuyến cáo phẫu thuật hàm mặt tại các trung tâm tạo hình là khoảng 16 tuổi với trẻ gái, và 17-18 tuổi với trẻ trai.
Xem thêm:
CÁC YẾU TỐ CẦN ĐÁNH GIÁ TRƯỚC KHI THỰC HIỆN PHẪU THUẬT TẠO HÌNH HÀM MẶT
Tạo hình hàm mặt điều trị khe hở xương hàm trên là một phẫu thuật lớn. Vì thế các bác sĩ sẽ cân nhắc kỹ lưỡng những thông tin trước phẫu thuật để lập kế hoạch điều trị tốt nhất cho trẻ.
Tình trạng thiểu sản vòm hầu
Thiểu sản vòm hầu là tình trạng khí thoát lên mũi khi trẻ nói, do tồn tại khoảng trống giữa phía sau vòm mềm và thành họng sau. Trong khi đó phẫu thuật tạo hình hàm mặt là tịnh tiến xương hàm trên ra phía trước, đồng nghĩa là di chuyển toàn bộ vòm ra phía trước (vì vòm mềm bám vào xương hàm trên). Hệ quả là khoảng cách từ vòm mềm tới thành họng sau sẽ tăng lên. Như vậy có thể dẫn tới nguy cơ là làm trầm trọng thêm tình trạng thiểu sản vòm hầu. Vì vậy, bác sĩ sẽ phải đánh giá kĩ lưỡng và tính toán độ di chuyển của xương hàm trên hoặc phương án di chuyển xương hàm dưới ra sau, để không làm nặng thêm tình trạng thiểu sản vòm hầu.
Tình trạng khớp cắn
Tình trạng khớp cắn cũng là yếu tố cần được đánh giá trước khi thực hiện phẫu thuật tạo hình hàm mặt để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất cho trẻ. Bác sĩ nha khoa có thể tiến hành lấy mẫu răng của trẻ để có được thông tin đánh giá về tình trạng khớp cắn. Trẻ nên được chỉnh nha trước và sau khi phẫu thuật.
Thể trạng sức khỏe
Bác sĩ nhi khoa và bác sĩ gây mê sẽ đánh giá toàn trạng sức khỏe của trẻ có đủ điều kiện để thực hiện cuộc phẫu thuật này hay không.
PHẪU THUẬT TẠO HÌNH HÀM MẶT ĐƯỢC THỰC HIỆN NHƯ THẾ NÀO?
Cắt đẩy xương hàm trên ra trước ( Lefort I osteotomy)
Đường rạch bên trong niêm mạc miệng, phía trên điểm bám niêm mạc má vào xương hàm trên khoảng 3-5 mm, nên không để lại sẹo. Qua đường tiếp cận này, bộc lộ xương hàm trên. Thực hiện việc cắt xương phía trên chân răng để không tổn thương răng hàm trên. Sau khi xương hàm trên di động, bác sĩ sẽ tịnh tiến xương ra phía trước tới vị trí đã được tính toán. Cố định xương tại vị trí mới bằng nẹp vít.
Trong một số trường hợp, Bác sĩ phải kết hợp di chuyển xương hàm dưới ra sau. Đường rạch cũng trong niêm mạc miệng. Cắt xương hàm dưới theo phương pháp cắt tách bản xương đối xứng dọc là phổ biến. Sau khi di chuyển xương ra vị trí mới, cố định xương hàm dưới bằng nẹp vít. Lưu ý: bảo tồn thần kinh ổ răng dưới và chân răng.
Sau phẫu thuật này, xương hàm trên và xương hàm dưới được cố định với nhau tại vị trí mới bằng máng và chỉ thép trong 4-8 tuần.
CÁCH CHĂM SÓC TRẺ SAU PHẪU THUẬT TẠO HÌNH HÀM MẶT
Sau phẫu thuật, bác sĩ sẽ có các biện pháp điều trị giảm đau giúp trẻ giảm bớt cảm giác đau và khó chịu. Trong 3- 5 ngày đầu, trẻ có thể bị phù nề ở vùng mặt. Tuy nhiên tình trạng này sẽ giảm đáng kể sau 10 ngày và trở về bình thường sau vài tháng.
Thời gian đầu, trẻ sẽ được cho ăn dịch lỏng qua sonde, sau khi tháo nẹp cố định hai hàm răng thì mới có thể tập ăn cháo loãng, thức ăn mềm trước. Sau 3 tháng, trẻ có thể ăn thức ăn rắn hơn.
Cha mẹ cần lưu ý giúp trẻ vệ sinh răng miệng, mũi họng tốt bằng nước muối sinh lý dạng xịt. Trẻ vẫn cần tiếp tục chỉnh nha sau phẫu thuật.
Nguy cơ gặp phải biến chứng sau phẫu thuật tạo hình hàm mặt ở trẻ bị khe hở môi vòm là rất hiếm gặp. Tuy nhiên trong một số trường hợp bệnh nhân có nguy cơ chảy máu, nhiễm trùng, rối loạn cảm giác vùng má, môi giai đoạn sớm sau mổ,…
Xem thêm:
Chăm sóc sau phẫu thuật tạo hình hàm mặt
Liên hệ để được tư vấn: