Bệnh lý khe hở môi vòm có thể dẫn tới các vấn đề về răng miệng, tác động đến cả răng sữa và răng trưởng thành của trẻ. Tuy nhiên nếu được chăm sóc nha đầy đủ và theo dõi thường xuyên, trẻ sinh ra với dị tật bẩm sinh này vẫn hoàn toàn có thể có một nụ cười khỏe mạnh.
Các vấn đề về răng miệng ở trẻ bị khe hở môi vòm không chỉ ảnh hưởng tới chức năng ăn nhai mà còn tác động tới thẩm mỹ của hàm răng nếu không được can thiệp kịp thời.
CÁC VẤN ĐỀ VỀ RĂNG MIỆNG THƯỜNG GẶP Ở TRẺ BỊ KHE HỞ MÔI VÒM
Theo các bác sĩ, trẻ khe hở môi vòm thường gặp phải 2 vấn đề về răng miệng sau:
- Sâu răng, viêm lợi ở giai đoạn từ 2 – 5 tuổi.
- Răng lệch lạc, mất răng, thiếu thẩm mỹ ở giai đoạn từ 6 – 12 tuổi.
- Các răng (đặc biệt là răng cửa bên hàm trên) có thể bị thiếu hoặc thừa hoặc vẫn hiện diện nhưng hình dạng thân và chân răng bất thường.
- Các răng tại vùng khe hở thường bị lạc chỗ, mọc ở vị trí bất thường.
- Các rối loạn phát triển xương hàm càng làm trầm trọng thêm các bệnh lý răng miệng.
CHĂM SÓC RĂNG MIỆNG GIAI ĐOẠN SỚM
Một trong những việc làm đầu tiên mà cha mẹ cần thực hiện là lên lịch khám răng sớm. Trẻ bị khe hở môi vòm thường được khuyến cáo nên khám răng lần đầu tiên khi được khoảng 1 tuổi hoặc sớm hơn nếu có những vấn đề răng miệng đặc biệt. Từ 3 tuổi trở đi, trẻ nên được khám răng định kỳ để theo dõi, phát hiện sớm các vấn đề về răng miệng và điều trị kịp thời nếu cần.
Bên cạnh đó cha mẹ cũng sẽ được bác sĩ hướng dẫn cách vệ sinh răng miệng cho trẻ, đặc biệt là các trường hợp răng lệch lạc, dị dạng bất thường tại vùng khe hở. Lưu ý cần chải răng thật kỹ càng ở vùng răng này. Nên dùng bàn chải lông mềm, đầu nhỏ để chải răng sớm nhất có thể.
Cha mẹ cũng cần sẽ được hướng dẫn cụ thể về cách cho trẻ bú, trẻ ăn và các biện pháp dự phòng viêm nhiễm đường hô hấp trên.
Xem thêm:
Phẫu thuật điều trị khe hở vòm
Phẫu thuật điều trị khe hở môi
CHĂM SÓC RĂNG MIỆNG GIAI ĐOẠN ĐIỀU TRỊ
Trẻ bị khe hở môi vòm cần được khám răng định kỳ để theo dõi tình trạng răng miệng, phát hiện sớm các bất thường và điều trị ngay.
Như đã đề cập ở phần trên, trong giai đoạn trẻ từ 6 – 15 tuổi, nhất là trẻ bị khe hở vòm, do ảnh hưởng của sẹo mổ sau phẫu thuật làm xương hàm kém phát triển nên các răng thường mọc lệch lạc, chen chúc.
Giải pháp cho tình trạng này là điều trị chỉnh nha (niềng răng) với các khí cụ chỉnh hình, nông rộng cung hàm và dàn thẳng đều các răng. Khi răng nanh vĩnh viễn mọc (khoảng 7 – 9 tuổi), phần xương cần cho răng mọc bị khuyết thiếu được sửa chữa bằng phẫu thuật ghép xương ổ răng. Khi trẻ từ 8 – 12 tuổi, điều trị chỉnh nha với mắc cài và giúp đưa các răng về đúng vị trí, sắp thẳng đều trên cung hàm.
Vì quá trình điều trị liên tục, trẻ còn phải đeo khí cụ chỉnh nha trong miệng nên vấn đề giữ gìn vệ sinh răng miệng cần hết sức chú trọng. Bác sĩ sẽ hướng dẫn trẻ cách chải răng đúng cách với sự hỗ trợ của loại bàn chải chuyên biệt, kem đánh răng có nồng độ flo cao nếu cần.
Cha mẹ cũng cần theo dõi sát sao và thường xuyên nhắc nhở trẻ tăng cường vệ sinh răng miệng.
Mong rằng với tất cả những thông tin trên cha mẹ đã có đủ kiến thức cần thiết để hỗ trợ trẻ chăm sóc răng miệng, đảm bảo chức năng ăn nhai cũng như thẩm mỹ của hàm răng.
Xem thêm:
Bệnh lý suy giảm chức năng nghe ở trẻ bị khe hở môi vòm
Điều trị nói ngọng ở trẻ sau phẫu thuật điều trị khe hở vòm
Liên hệ để được tư vấn