Khe hở môi vòm (sứt môi –hở hàm ếch) là một trong những dị tật thường gặp nhất ở trẻ. Không chỉ ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ, dị tật này còn tác động đến chức năng ăn nhai, phát âm, nghe… ở trẻ nếu không được can thiệp và xử trí kịp thời. May mắn là với sự phát triển của y học hiện nay, phần lớn trẻ bị khe hở môi vòm đều được điều trị hiệu quả, có một cuộc sống bình thường và phát triển như bao em bé khác.
Khi phát hiện trẻ bị khe hở môi vòm, cha mẹ thường có rất nhiều lo lắng và băn khoăn về dị tật, cách điều trị và mức độ ảnh hưởng của nó đến sức khỏe, sự phát triển của trẻ.
KHE HỞ MÔI VÒM LÀ GÌ?
Khe hở môi vòm là tình trạng hở, không liền cấu trúc ở môi trên, vòm miệng hoặc cả hai. Dị tật này có thể được phát hiện vào thời điểm quý thứ 2 của thai kỳ, quanh tuần 16 – 18 thông qua siêu âm.
Trẻ bị khe hở môi vòm có các biểu hiện sau:
- Có khe hở ở môi hoặc vòm miệng ở một hoặc cả hai bên mặt.
- Khe hở ở môi có hình dạng như một rãnh nhỏ ở môi hoặc kéo dài từ môi qua nướu trên và mặt
- Khe hở trong vòm miệng và không xuất hiện trên khuôn mặt
Cũng có trường hợp ít phổ biến hơn là khe hở chỉ xảy ra ở các cơ của vòm miệng mềm (khe hở dưới niêm mạc), ở phía sau miệng và được bao phủ bởi niêm mạc miệng. Vì thế nên khe hở dạng này thường khó phát hiện, ít được chú ý cho đến khi bắt đầu gây ra các triệu chứng ảnh hưởng tới sức khỏe, chất lượng cuộc sống của trẻ như: trẻ bị khó ăn, khó nuốt, có chất lỏng hoặc thức ăn chảy ra từ mũi, nói bị giọng mũi, bị viêm tai nhiều lần…
NGUYÊN NHÂN NÀO GÂY RA KHE HỞ MÔI VÒM?
Nguyên nhân chính xác gây ra bệnh lý khe hở môi vòm vẫn chưa được xác định. Theo các nhà nghiên cứu, khe hở môi vòm hình thành từ sự kết hợp giữa yếu tố di truyền và môi trường, chẳng hạn như gia đình có tiền sử bị khe hở môi vòm, mẹ tiếp xúc với các chất độc hại (thuốc lá, rượu bia, thuốc…) trong quá trình mang thai…
Xem thêm:
Phẫu thuật điều trị khe hở môi
Phẫu thuật điều trị khe hở vòm
KHE HỞ MÔI VÒM ẢNH HƯỞNG NHƯ THẾ NÀO ĐẾN TRẺ?
Tác động của dị tật khe hở môi vòm đến trẻ còn tùy thuộc vào loại, mức độ nghiêm trọng của khe hở :
- Ăn uống khó khăn: khó khăn đầu tiên mà trẻ bị khe hở môi vòm phải đối mặt ngay sau khi chào đời là việc bú sữa. So với trẻ bình thường, trẻ bị khe hở môi vòm bú chậm, mất nhiều thời gian hơn.
- Viêm tai và suy giảm khả năng nghe: trẻ bị khe hở môi vòm có nguy cơ cao bị viêm tai và suy giảm thính lực.
- Các vấn đề về răng miệng: trẻ bị khe hở môi vòm thường gặp vấn đề liên quan đến sâu răng, viêm lợi (đặc biệt khi trẻ 2 – 5 tuổi) và vấn đề về lệch lạc răng, mất răng, thiếu thẩm mỹ (khi trẻ khoảng 6 – 12 tuổi).
- Rối loạn ngôn ngữ, nói ngọng: bởi vì vòm miệng đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành âm thanh nên khả năng phát âm của trẻ cũng chịu tác động không nhỏ. Trẻ thường hay nói bị giọng mũi, nói ngọng.
- Tâm lý tự ti: sự khác biệt của ngoại hình dễ khiến trẻ nảy sinh tâm lý tự tin, khó khăn trong hòa nhập với xã hội, trở thành đối tượng bị bạn bè bắt nạt, trêu chọc…
Điều trị khe hở môi vòm là một quá trình lâu dài, cần sự phối hợp của nhiều nhóm chuyên gia khác nhau, gia đình và cả bản thân trẻ.
KHE HỞ MÔI VÒM CÓ THỂ PHÒNG TRÁNH ĐƯỢC KHÔNG?
Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu, tìm tòi các biện pháp làm giảm nguy cơ mắc phải dị tật này. Một phát hiện gần đây cho thấy những bà mẹ sử dụng vitamin tổng hợp có chứa axit folic trước khi thụ thai và trong hai tháng đầu mang thai có thể làm giảm nguy cơ trẻ bị khe hở môi vòm. Bên cạnh đó người mẹ cũng lưu ý không hút thuốc lá, không uống rượu bia khi mang thai và tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc gì.
Đặc biệt tư vấn với chuyên gia di truyền trước khi mang thai cũng là một biện pháp hạn chế nguy cơ hình thành khe hở môi vòm được đánh giá cao.
KHE HỞ MÔI VÒM CÓ THỂ ĐIỀU TRỊ ĐƯỢC KHÔNG?
Cha mẹ và trẻ yên tâm rằng khe hở môi vòm có thể điều trị hiệu quả, giúp phục hồi chức năng và đảm bảo thẩm mỹ khuôn mặt. Phẫu thuật thường là phương pháp điều trị đầu tiên và cho kết quả rất tốt. Tùy vào tình trạng sức khỏe của trẻ, bác sĩ sẽ thảo luận với gia đình để quyết định thời điểm phẫu thuật phù hợp nhất.
Một số các trung tâm phẫu thuật tại VN thường phẫu thuật khe hở môi vào thời điểm trẻ được 3 tháng tuổi. Tại khoa Sọ mặt và tạo hình bệnh viện Nhi TW có thể đánh giá tình trạng trẻ để phẫu thuật sớm hơn.
Với trường hợp khe hở vòm, một số trung tâm phẫu thuật khi trẻ trên 18 tháng, đạt 10kg cân nặng. Tại khoa Sọ mặt và tạo hình Bệnh viện Nhi TW sẽ đánh giá tình trạng trẻ và có thể phẫu thuật vào thời điểm trẻ được 9 tháng.
Xem thêm:
Cách chăm sóc trẻ trước phẫu thuật điều trị khe hở môi vòm
Gây mê trong phẫu thuật khe hở môi vòm có nguy hiểm không?
Liên hệ để được tư vấn