4 sự thật về bệnh lý khe hở môi vòm mà cha mẹ cần biết

Tin tức 04/26/2020
Một số thông tin cần biết về bệnh lý khe hở môi vòm giúp cha mẹ có cái nhìn chi tiết hơn về dị tật bẩm sinh thường gặp ở trẻ.

Cha mẹ nào cũng muốn con mình sinh ra lành lặn và khỏe mạnh. Chính vì thế cảm xúc lo lắng và hoang mang khi phát hiện ra trẻ mắc phải dị tật bẩm sinh khe hở môi vòm là điều khó tránh. Tuy nhiên thay vì đổ lỗi cho bản thân hay suy nghĩ bi quan thì hãy tập trung hết sức lực để hỗ trợ cho bé. Bởi khe hở môi vòm có thể điều trị hiệu quả. Nếu được phát hiện sớm, can thiệp kịp thời, chúng ta hoàn toàn có thể khôi phục thẩm mỹ, chức năng vùng hàm mặt ở trẻ bị khe hở môi vòm, giúp trẻ phát triển bình thường.

Khe hở môi vòm là dị tật bẩm sinh vùng hàm mặt thường gặp nhất ở trẻ. 

Sau đây là 4 sự thật về khe hở môi vòm mà cha mẹ cần biết.

NGUYÊN NHÂN GÂY KHE HỞ MÔI VÒM CHƯA THỂ KHẲNG ĐỊNH CHÍNH XÁC

Khe hở môi vòm xảy ra khi quá trình hợp nhất giữa các ụ mặt để tạo thành hình thái khuôn mặt không diễn ra hoặc chỉ diễn ra một phần, để lại khe hở.

Các nhà nghiên cứu cho biết phần lớn trẻ bị khe hở môi vòm là do tương tác của hai yếu tố là gen và môi trường. Tuy nhiên có nhiều trường hợp không thể xác định nguyên nhân rõ ràng.

Một số yếu tố nguy cơ nhất định làm tăng khả năng hình thành khe hở môi vòm bao gồm:

  • Tiền sử gia đình: cha mẹ có tiền sử gia đình bị khe hở môi vòm sẽ có nguy cơ sinh con gặp phải dị tật này cao hơn.
  • Tiếp xúc với các chất độc hại trong thời kỳ mang thai như hút thuốc lá, uống rượu bia hoặc sử dụng một số loại thuốc nào đó.
  • Bị tiểu đường: có một số bằng chứng cho thấy phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường trước khi mang thai có thể làm tăng nguy cơ sinh con bị khe hở môi vòm.
  • Bị béo phì khi mang thai: cũng có bằng chứng cho biết trẻ sinh ra từ các bà mẹ bị béo phì có nguy cơ cao hình thành khe hở môi vòm.

Xem thêm:

Từ A – Z về bệnh lý khe hở môi vòm 

Phẫu thuật điều trị khe hở môi

Phẫu thuật điều trị khe hở vòm 

KHE HỞ MÔI VÒM KHÔNG PHẢI LÀ DỊ TẬT HIẾM GẶP

Điều trị toàn diện  khe hở môi vòm là một quá trình lâu dài cần sự kiên trì và cố gắng của cha mẹ, bản thân trẻ. 

Khe hở môi vòm là dị tật bẩm sinh chiếm tỷ lệ cao nhất vùng hàm mặt, khoảng 1 –  2 ‰ trẻ sơ sinh. Cha mẹ không nên có cảm giác xấu hổ, ngại ngùng hay tìm cách giấu thông tin bệnh của con với gia đình, bạn bè. Hiện tại cũng có rất nhiều nhóm tập hợp các phụ huynh của trẻ bị khe hở môi vòm cùng trao đổi và chia sẻ các thông tin về chăm sóc, điều trị cho trẻ. Bạn có thể tham gia kết bạn với những người có cùng hoàn cảnh như mình để học hỏi kinh nghiệm, tham khảo cho em bé của mình tại các trang sau đây:

Phẫu thuật khe hở môi vòm – Hở hàm ếch  

Hở hàm ếch, sứt môi – Chia sẻ vì nụ cười của bé 

KHE HỞ MÔI VÒM CÓ THỂ ĐIỀU TRỊ ĐƯỢC 

Nếu được tư vấn, điều trị đúng phương pháp, đúng thời điểm, hầu hết các trẻ bị khe hở môi vòm sẽ phục hồi chức năng và đảm bảo thẩm mỹ khuôn mặt.

Thông thường trẻ có thể phẫu thuật điều trị khe hở môi khi 3 tháng tuổi. Tại khoa Sọ mặt tạo hình – Bệnh viện Nhi Trung ương có thể đánh giá tình trạng trẻ để phẫu thuật sớm hơn.

Với trường hợp khe hở vòm, một số trung tâm phẫu thuật khi trẻ trên 18 tháng, đạt 10kg cân nặng. Tại khoa Sọ mặt và tạo hình Bệnh viện Nhi TW sẽ đánh giá tình trạng trẻ và có thể phẫu thuật vào thời điểm trẻ được 9 tháng.

Tuy nhiên để điều trị toàn diện khe hở môi vòm thì phẫu thuật thôi là chưa đủ mà cần sự phối hợp của nhiều chuyên khoa bao gồm: nhi khoa, dinh dưỡng, tai mũi họng, răng hàm mặt, chuyên gia ngôn ngữ , chuyên gia tâm lý và cả gia đình, bản thân trẻ.

Nhóm điều trị này sẽ cùng khám cho trẻ, sau đó cùng thảo luận để đưa ra cái nhìn tổng thể về tình trạng bệnh và phối hợp lập kế hoạch điều trị.

HẦU HẾT TRẺ BỊ KHE HỞ MÔI VÒM CÓ CUỘC SỐNG HOÀN TOÀN BÌNH THƯỜNG

Nam diễn viên chính trong bộ phim đình đám Joker – Joaquin Phoenix, sinh ra với dị tật khe hở môi vòm nhưng vẫn đạt được nhiều thành tích ngoạn mục trong lĩnh vực điện ảnh. 

Sự khác biệt về mặt ngoại hình ở trẻ bị khe hở môi vòm thường khiến cha mẹ có nhiều lo lắng và bi quan về tương lai, hạnh phúc sau này của con. Tuy nhiên theo các chuyên gia đánh giá phần lớn các trường hợp trẻ bị khe hở môi vòm phát triển bình thường, làm được tất cả những việc mà đứa trẻ khác làm. Với sự tiến bộ của y học hiện nay, trẻ bị khe hở môi vòm hoàn toàn có thể có một cuộc sống khỏe mạnh, học tập và đạt được những thành tựu không thua kém bạn bè cùng trang lứa. Một ví dụ điển hình là Joaquin Phoenix – người vừa đoạt giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất trong bộ phim Joker tại lễ trao giải Oscar năm 2020, cũng có dị tật khe hở môi vòm khi còn nhỏ. 

Xem thêm:

Điều trị toàn diện cho trẻ bị khe hở môi vòm: phẫu thuật thôi là chưa đủ!

Hướng dẫn cách cho trẻ bị khe hở môi vòm bú sữa

Tâm sinh lý của trẻ bị khe hở môi vòm qua các giai đoạn phát triển

 Liên hệ để được tư vấn

Bác sĩ Phượng

Bác sĩ Phượng

"Mong rằng những thông tin về bệnh lý khe hở môi vòm được tổng hợp từ các nguồn tài liệu y khoa uy tín và những kinh nghiệm điều trị thực tế sẽ giúp các phụ huynh có thêm những hiểu biết hữu ích. Từ những kiến thức này, các bậc phụ huynh sẽ biết cách chăm sóc trẻ mắc dị tật khe hở môi vòm một cách hiệu quả, các phương pháp điều trị phù hợp, góp phần nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần cho trẻ"

Liên hệ với bác sĩ