Nếu ở phần I. Giai đoạn trẻ sơ sinh và trước khi đến trường, đối tượng tiếp xúc của trẻ bị khe hở môi vòm chủ yếu là cha mẹ và người thân thì sang giai đoạn tuổi học đường có thể xem như lúc trẻ bắt đầu bước ra thế giới, đến trường để học tập và giao lưu với thầy cô, bạn bè.
Ở giai đoạn trẻ đến trường, cha mẹ thường lo lắng về khả năng hòa nhập của trẻ, cách nhìn nhận của thầy cô và bạn bè về sự khác biệt trên khuôn mặt trẻ.
Đặc điểm của giai đoạn tuổi học đường
Giai đoạn trẻ bắt đầu đi học là khoảng thời gian xen lẫn sự thích thú và lo lắng cho cả trẻ và cha mẹ. Trường học là cơ hội cho trẻ được học tập, phát triển kĩ năng mới, khả năng độc lập và xây dựng mối quan hệ. Tuy nhiên cha mẹ sẽ lo lắng về cách nhìn và cư xử của bạn bè, nhà trường về sự khác biệt của trẻ trên khuôn mặt và khả năng phát âm. Đồng thời, họ cũng lo lắng liệu bệnh lý này có ảnh hưởng xấu tới khả năng học và thành công của trẻ ở trường không. Thêm nữa, gia đình phải chuẩn bị cho những lần phẫu thuật tiếp theo để hoàn thiện khuôn mặt và chức năng phát âm.
Anh chị em trong gia đình có trẻ bị khe hở môi vòm cũng là đối tượng cần lo lắng và quan tâm. Một số trường hợp, cha mẹ sẽ quan tâm và bảo vệ quá mức tới trẻ bị khe hở môi. Điều này sẽ làm giảm khả năng chủ động của chính trẻ đó và cũng gây ra những suy nghĩ ghen tị ở anh chị em trong cùng một nhà.
Cha mẹ cần làm gì để giúp trẻ?
- Khám định kỳ và thảo luận với bác sĩ về các vấn đề trẻ gặp phải như phát âm ngọng, biến dạng sẹo,….
- Quan tâm với quá trình và kết quả học tập của con ở trường, đặc biệt kĩ năng đọc. Nếu phát hiện sớm trẻ bị nói giọng mũi, sẽ can thiệp sớm. Điều này giúp trẻ giảm nguy cơ tự ti nếu để tình trạng này kéo dài.
- Khuyến khích trẻ hòa nhập và chủ động tham gia các hoạt động với bạn bè như chơi thể thao, văn nghệ,….
- Yêu cầu huấn luyện viên hay bạn tập cùng nếu trẻ thấy xấu hổ. Người này sẽ động viên và chia sẻ để trẻ hòa nhập tốt hơn với bạn bè.
- Hướng dẫn trẻ phát triển kỹ năng xã hội hóa như cách giao tiếp bằng ánh mắt, cách bắt đầu và duy trì cuộc nói chuyện với bạn mới và cách trở thành người lắng nghe.
- Không quá bảo vệ con mình. Giống với cách chơi diều vậy, nếu cha mẹ giữ con mình quá gần suốt thời gian thì con sẽ không biết cách bay trên bầu trời.
- Giáo dục cho anh chị em khác trong gia đình về bệnh lý mà trẻ mắc phải. Để các thành viên này hiểu và giúp đỡ trẻ phát triển.
- Tiếp tục dạy trẻ về bệnh lý khe hở môi vòm. Các cách trả lời nhanh khi có người hỏi và cách đánh lạc hướng cuộc nói chuyện sang chủ đề khác.
- Luôn chuẩn bị cả về tâm lý và tình trạng sức khỏe của trẻ trước mỗi phẫu thuật.
- Giúp trẻ xây dựng hình ảnh bản thân một cách chủ động. Cha mẹ sẽ nhắc trẻ rằng ai cũng có những khiếm khuyết, điểm không hài lòng về diện mạo của bản thân mình. Trẻ cần được khuyến khích tập trung vào khả năng có thể làm gì thay vì được nhìn nhận như thế nào và nghĩ về bản thân một cách lạc quan.
- Bị trêu chọc hay đưa ra làm trò cười (teasing và bullying) là vấn đề mà bất kì đứa trẻ nào cũng có thể phải đối mặt không chỉ trẻ bị khe hở môi vòm. Tất cả trẻ em cần được giáo dục về cách phản ứng khi xảy ra điều này như trao đổi với thầy cô, cha mẹ hoặc bác sĩ tâm lý.
Hy vọng cha mẹ đã được cung cấp những thông tin cơ bản nhất về tâm lý của trẻ ở giai đoạn quan trọng này, giúp trẻ tự tin hòa nhập với bạn bè, thầy cô, phát triển bình thường.
Xem tiếp:
Phần I. Giai đoạn trẻ sơ sinh và trước khi đến trường của trẻ bị khe hở môi vòm
Phần III. Giai đoạn vị thành niên của trẻ bị khe hở môi vòm
Liên hệ để được tư vấn: