Những điều cần biết về gây mê trong phẫu thuật điều trị trẻ khe hở môi vòm

Gây mê cho trẻ phẫu thuật khe hở môi vòm là tương đối an toàn nên không có gì đáng lo ngại.

Khi trẻ bị khe hở môi vòm được chỉ định phẫu thuật, chắc chắn cha mẹ sẽ có rất nhiều lo lắng và thắc mắc liên quan đến việc gây mê. Gây mê là quá trình sử dụng thuốc để ngăn ngừa cảm giác đau đớn, được thực hiện gần như trong toàn bộ các loại phẫu thuật hiện nay. Gây mê cho trẻ phẫu thuật khe hở môi vòm là tương đối an toàn nên không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên để hạn chế tối đa nguy cơ, gia đình, bản thân trẻ và các nhân viên y tế luôn phải tuân thủ đúng quy trình từ giai đoạn trước, trong và sau phẫu thuật.

Gây mê trong phẫu thuật điều trị cho trẻ khe hở môi vòm là tương đối an toàn. 

GIAI ĐOẠN TRƯỚC PHẪU THUẬT 

Trẻ thường được phẫu thuật điều trị khe hở môi vòm khi còn rất nhỏ, thậm chí chỉ vài tháng tuổi. Thời điểm phẫu thuật cho trẻ tùy thuộc vào từng trung tâm tạo hình khác nhau, thường phẫu thuật tạo hình môi từ 1-3 tháng, phẫu thuật tạo hình vòm từ 9-12 tháng. Một số nơi có thể phẫu thuật muộn hơn.

Trước phẫu thuật, bác sĩ gây mê sẽ khám cho trẻ và tư vấn cho gia đình. Bác sĩ sẽ quyết định trẻ có đủ điều kiện để thực hiện phẫu thuật tại thời điểm đó hay không. Đôi khi, trẻ được chỉ định thực hiện thêm một số các thăm dò như siêu âm tim, điện tim,… để đảm bảo an toàn.

Một điểm quan trọng nữa mà gia đình lưu ý đó là trẻ phải được nhịn bú, ăn trước thời điểm phẫu thuật. Điều này để làm rỗng dạ dày, tránh nguy cơ sữa hoặc thức ăn có thể trào ngược lên họng rồi xuống phổi trong quá trình trẻ được gây mê và dẫn tới biến chứng nghiêm trọng.

Sau đây là bảng chỉ dẫn thời gian nhịn trước giờ phẫu thuật với từng loại thức ăn:

Loại thức ăn

Khoảng thời gian trước phẫu thuật

(giờ)

Các loại dịch (nước, nước hoa quả ép như nho, táo,…)

2

Sữa mẹ

4

Sữa công thức

6

Thức ăn (bột, cháo,…)

8

Xem thêm

Hướng dẫn cách cho trẻ bị khe hở môi vòm bú

Phẫu thuật điều trị khe hở môi

Phẫu thuật điều trị khe hở vòm

TRONG NGÀY PHẪU THUẬT 

Thông thường trẻ sẽ được nhập viện một ngày trước phẫu thuật hoặc trong ngày phẫu thuật. Nhân viên ý tế sẽ hướng dẫn vị trí giường, đeo bảng tên, thay trang phục cho trẻ, vệ sinh cho trẻ trước khi đi tới phòng mổ.

Bác sĩ gây mê sẽ kiểm tra lại về thời điểm trẻ bú, uống sữa của lần gần nhất, kiểm tra tình trạng sức khỏe trước khi vào phòng mổ. Nếu trẻ bị sốt, viêm nhiễm ở cơ thể, chảy dịch mũi đục, ho đờm,…thì bác sĩ có thể sẽ khuyên không nên phẫu thuật ngay và chờ đợi cho trẻ hồi phục (thường khoảng 2 tuần).

Cha mẹ, trẻ và các nhân viên y tế cần tuân thủ đúng quy trình trước, trong và sau phẫu thuật để đảm bảo an toàn cho trẻ. 

TRONG THỜI GIAN PHẪU THUẬT 

Trẻ sẽ được chăm sóc bởi đội ngũ các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế trong phòng mổ và cha mẹ sẽ ngồi chờ tại khu dành cho người nhà.

Trong suốt thời gian phẫu thuật trẻ được gây mê hay nói đơn giản hơn là trẻ sẽ ngủ, không cảm thấy đau đớn hay khó chịu gì cả.

Các bác sĩ phẫu thuật sẽ tạo hình lại những khiếm khuyết bẩm sinh một cách chính xác và cẩn thận nhất có thể cho trẻ.

Sau khi phẫu thuật xong, ekip gây mê sẽ giúp trẻ dần tỉnh trở lại.

  • Sau phẫu thuật

Trẻ sẽ được chuyển sang phòng hồi tỉnh: phòng theo dõi sát toàn trạng, tình trạng thở, tuần hoàn,… của trẻ.

Trong giai đoạn này, có thể cha mẹ sẽ được vào để theo dõi, chăm sóc trẻ cùng nhân viên y tế.

Trẻ vẫn được tiếp tục hỗ trợ thở, truyền dịch, giảm đau, thuốc chống nôn,… nếu tình trạng cần thiết.

 Khi trẻ tỉnh táo hoàn toàn, khóc to thì cha mẹ được hướng dẫn cách cho trẻ uống nước đường hay sữa trở lại.

KHẢ NĂNG HỒI PHỤC CỦA TRẺ SAU PHẪU THUẬT 

Nhìn chung hầu hết các trẻ đều hồi phục tốt sau phẫu thuật, sau gây mê. Tác dụng phụ nhẹ của gây mê như nôn, buồn nôn là thường gặp và có thể điều trị bằng thuốc hoặc tự hết sau thời gian theo dõi nên cha mẹ không cần quá lo lắng.

Gây mê hiện nay với sự theo dõi sát sao của bác sĩ và các thiết bị y tế hiện đại nên rất an toàn. Do đó cha mẹ đừng vì sợ hãi cho rằng gây mê là nguy hiểm, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, sự phát triển của trẻ về sau mà bỏ lỡ thời điểm phẫu thuật khe hở môi vòm phù hợp nhất.

Xem thêm:

Chăm sóc trẻ sau phẫu thuật khe hở môi

Chăm sóc trẻ sau phẫu thuật khe hở vòm

Liên hệ để được tư vấn

Bác sĩ Phượng

Bác sĩ Phượng

"Mong rằng những thông tin về bệnh lý khe hở môi vòm được tổng hợp từ các nguồn tài liệu y khoa uy tín và những kinh nghiệm điều trị thực tế sẽ giúp các phụ huynh có thêm những hiểu biết hữu ích. Từ những kiến thức này, các bậc phụ huynh sẽ biết cách chăm sóc trẻ mắc dị tật khe hở môi vòm một cách hiệu quả, các phương pháp điều trị phù hợp, góp phần nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần cho trẻ"

Liên hệ với bác sĩ